Kiện hàng xóm đòi bồi thường 2 cây dừa

Trong đơn khởi kiện nộp TAND huyện Chợ Lách (Bến Tre), ông V. trình bày rằng ông có khoảng ba công vườn trồng cam và dừa. Ông có cho gia đình ông C. mắc đường dây tải điện đi ngang phần đất vườn của ông.

Kiện nhưng không nộp tiền định giá

Theo ông V., tháng 10-2015, ông C. cho rằng tàu lá dừa của ông đè lên đường dây tải điện nói trên nên tự ý dùng lưỡi liềm cắt bỏ, làm hai cây dừa của ông bị chết khô. Hai cây dừa này đã có trái và cho thu nhập hằng tháng ổn định. Trị giá mỗi cây là 5 triệu đồng. Vì thế, ông khởi kiện yêu cầu gia đình ông C. phải bồi thường cho ông trị giá hai cây dừa là 10 triệu đồng.

Tòa mời đến làm việc, ông C. trình bày chỉ cắt có hai tàu dừa của ông V. Và lúc cắt ông có chừa lại khoảng 1 m bẹ dừa từ trong ra nên cây dừa không thể chết như ông V. trình bày được.

Sau một thời gian thụ lý, giải quyết, TAND huyện Chợ Lách ra quyết định đình chỉ với lý do ông V. không nộp tiền chi phí định giá tài sản theo điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS. Quyết định này đã được tòa tống đạt cho các bên đương sự. Sau khi nhận được quyết định, các bên không kháng cáo, VKS cũng không kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật.

Kiện tiếp, tòa lại đình chỉ

Tháng 2-2016, ông V. lại có đơn khởi kiện yêu cầu ông C. bồi thường thiệt hại 10 triệu đồng cho hai cây dừa. Đơn của ông V. được TAND huyện Chợ Lách thụ lý nhưng đến tháng 9-2017, tòa này ra quyết định đình chỉ với lý do vụ việc đã được giải quyết bằng một quyết định đã có hiệu lực của tòa án.

Ông V. không kháng cáo quyết định đình chỉ nói trên nhưng ngay sau đó, ông C. (bị đơn) lại kháng cáo yêu cầu tòa phải tiếp tục giải quyết vì “vụ việc chưa đâu ra đâu”.

Mở phiên họp xét quyết định đình chỉ của TAND huyện Chợ Lách mới đây, TAND tỉnh Bến Tre nhận định: Việc TAND huyện Chợ Lách ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện (lần đầu) với lý do ông V. không nộp tiền chi phí định giá tài sản là đúng quy định của BLTTDS. Việc tòa này ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện (lần sau) với lý do vụ việc đã được giải quyết bằng một quyết định đã có hiệu lực của tòa án cũng đúng quy định của BLTTDS.

Theo TAND tỉnh, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản bị xâm phạm của ông V. với ông C. đã được giải quyết bằng một quyết định đình chỉ có hiệu lực pháp luật của tòa án nên kháng cáo của ông C. là không có cơ sở để chấp nhận.

Quy định liên quan

Theo các điểm đ, g khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015, sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, tòa ra quyết định đình chỉ trong trường hợp nguyên đơn không nộp tiền chi phí định giá tài sản và các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của bộ luật này mà tòa đã thụ lý.

Theo điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015, thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ một số trường hợp như tòa bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng…

Theo khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015, khi có quyết định giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết lại vụ án đó nếu vụ việc khởi kiện vụ án sau không khác gì với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm