Không có mặt bà Hứa Thị Phấn, tòa vẫn xét xử

Vẫn xử dù bị cáo đầu vụ vắng mặt và không có bản cung nào
Người được xác định là bị cáo đầu vụ và phải chịu trách nhiệm chính về các thiệt hại của ngân hàng, bà Hứa Thị Phấn, không có mặt để tham gia tố tụng tại toà.
Theo kết luận giám định pháp y thì bà Phấn bị tổn thương sức khỏe 93%.
Theo các luật sư của bà Phấn, tình hình sức khỏe của bà Phấn rất xấu, không đảm bảo tham gia phiên tòa. Luật sư không thể trao đổi được gì với bà về bất kỳ nội dung nào của vụ án.
Clip: Chủ tọa lý giải việc xét xử vắng mặt bà Hứa Thị Phấn
Thẩm phán Phạm Lương Toản thông tin rằng toà đã tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng cho bà Phấn. HĐXX cũng chưa nhận được đơn yêu cầu gì của bà Phấn về việc xin xét xử vắng mặt nên toà vẫn xét xử bình thường.
Sau khi bà Phấn bị khởi tố bị can, điều tra viên vẫn chưa thể tiếp xúc để lấy lời khai của bà được. Tuy nhiên, trước đó CQĐT đã 13 lần làm việc với bà Phấn có sự chứng kiến của một bị can là kế toán Công ty Phú Mỹ và luật sư của bà Phấn. 

Bà Phấn thừa nhận đã sử dụng hơn 4.985 tỉ đồng. Trong biên bản làm việc ngày 16-6-2015, bà Phấn nhận sử dụng hơn 4.944 tỉ đồng, chênh lệch hơn 41 tỉ đồng do cộng thiếu khoản thu khống.

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Phương Loan

Hơn 200 người được triệu tập

Ngoài 28 bị cáo được triệu tập, còn có hơn 100 cá nhân, pháp nhân là các ngân hàng thương mại tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và người làm chứng được triệu tập.

Trong đó bị án Phạm Công Danh (đại diện toàn bộ cá nhân góp vốn cổ phần nhóm Thiên Thanh), Phan Thành Mai cũng được trích xuất tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
51 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ cho các đương sự. Bị cáo Phấn có 4 luật sư bào chữa.
Công ty cổ phần đầu tư Phương Trang, bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, có 2 luật sư bảo vệ.

Các luật sư tham gia phiên xét xử. Ảnh: PL

Thiệt hại 6.300 tỉ đồng

Theo cáo trạng, đầu năm 2007, bà Hứa Thị Phấn cùng Công ty CP đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng, đứng tên giúp bà Phấn (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ), đã mua hơn 254,7 triệu cổ phần, tương đương 2.547 tỉ đồng, chiếm 84,92 % vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín.
Bà Hứa Thị Phấn giữ chức vụ cố vấn cao cấp, có nhiệm vụ tư vấn cho thường trực HĐQT về công tác quản trị và hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của Ngân hàng Đại Tín.
Bà Hứa Thị Phấn đã lợi dụng việc là cổ đông lớn, nắm quyền chi phối, thu tóm toàn bộ hoạt động của HĐQT, ban điều hành và cán bộ, nhân viên Ngân hàng Đại Tín và hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang.
Bà Phấn bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên ngân hàng thực hiện các hành vi trái pháp luật để rút tiền, chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hàng ngàn tỉ đồng.
Cụ thể, bà Phấn đã thông qua các bị cáo khác chỉ đạo Công ty TrustAsset của Ngân hàng Đại Tín (không có chức năng thẩm định giá) thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của bà Phấn lên 1.268 tỉ đồng, cao gấp 8 lần giá thị trường của căn nhà.
Bà Phấn còn chỉ đạo việc mua bán lòng vòng căn nhà, sau đó bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỉ đồng.
Ngoài ra, bà Phấn còn bị truy tố về hành vi hạch toán thu chi khống vi phạm các quy định của pháp luật.
Tổng số tiền bà Hứa Thị Phấn chỉ đạo thu khống để sử dụng bất hợp pháp hơn 5.256 tỉ đồng. Số tiền này liên quan đến hồ sơ cho Công ty cổ phần đầu tư Phương Trang vay nhưng bà Phấn đã không giải ngân đủ cho Công ty Phương Trang, đến nay không thu hồi được.
Hiện toà đang phần thẩm tra lý lịch các bị cáo. Nhiều bị cáo đã khóc khi trình bày về nhân thân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm