Đề nghị phục hồi chế độ chính trị cho ông Lữ Anh Dồi

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH, TAND Tối cao, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP), UBND tỉnh Cà Mau báo cáo việc xem xét công nhận chế độ liệt sĩ cho ông Lữ Anh Dồi. Ông Dồi là người bị hai đồng đội biến chất sát hại 38 năm trước trong một vụ án nổi tiếng ở tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau). Các cơ quan này phải báo cáo trước ngày 20-2 để họp liên ngành giải quyết dứt điểm.

Nhiều lãnh đạo trung ương quan tâm

Chuyện của ông Lữ Anh Dồi nhiều cơ quan đã bàn thảo nhưng đến nay chưa có kết quả cuối cùng. Thế nhưng với sự quan tâm của nhiều lãnh đạo cấp cao tâm huyết, một lần nữa vụ việc lại được xới lên theo hướng tích cực.

Theo đó, mới đây ông Phan Diễn (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư) đã có thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị quan tâm chỉ đạo, xem xét việc công nhận liệt sĩ, phục hồi trọn vẹn chế độ chính trị cho ông Lữ Anh Dồi.

Ngày 15-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Diễn cho biết nhiều năm trước, ông tham gia viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trong cuốn tiểu sử này có nhắc việc Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh qua chuyến đi thực tế Minh Hải năm 1988 đã sâu sát quần chúng, nắm bắt dư luận về cái chết oan khuất của ông Dồi. Từ đó Tổng Bí thư  đã chỉ đạo lập ban chuyên án cấp trung ương và cuối cùng làm rõ được sự thật… Những tưởng mọi việc đã được giải quyết nhưng cuối năm 2016, tình cờ bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Dồi) tìm tới gặp, chuyển đơn và hồ sơ cầu cứu.

“Qua nghiên cứu những tài liệu có được, tôi thấy các cơ quan liên quan hầu như đã bỏ bê vụ việc mấy chục năm trời. chỉ thấy chuyển đơn, đề nghị giải quyết theo thẩm quyền mà không phân tích, chỉ dẫn hay cân nhắc, lưu ý. Vì vậy tôi có gặp và gửi thư đề nghị các đồng chí lãnh đạo quan tâm tới sự việc này” - ông Phan Diễn chia sẻ.

Cũng liên quan đến vụ việc, cuối tháng 12-2016, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản chuyển đơn của bà Mai đề nghị các cơ quan công nhận liệt sĩ cho ông Dồi. Cho rằng quân đội mới có thẩm quyền cuối cùng trả lời, ngày 6-2, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản chuyển Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giải quyết. Trước đó, hồi tháng 7-2016, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cũng có văn bản đề nghị Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) giải quyết theo thẩm quyền...

Bà Mai trước bàn thờ của chồng mình. Ảnh: T.VŨ

Phải được công nhận liệt sĩ

Như Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài phản ánh, Thiếu úy Lữ Anh Dồi (chính trị viên phó Đại đội cơ động biên phòng tỉnh Minh Hải cũ) là nạn nhân trong vụ án do cấp trên trực tiếp của mình dựng lên nhằm giết người diệt khẩu. Người này là trung tá Nguyễn Ngọc, phó trưởng Ty Công an kiêm chỉ huy trưởng Công an vũ trang tỉnh Minh Hải.

Vụ việc xảy ra từ năm 1979, ông Dồi bị giết hại rồi bị làm hồ sơ giả vu cho là kẻ phản quốc. Phải chín năm sau, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có ý kiến chỉ đạo, đồng thời cơ quan điều tra Quân khu 9, VKS Quân sự Trung ương, Tòa án Quân sự Trung ương vào cuộc quyết liệt vụ việc thì mới được làm sáng tỏ. Nguyễn Ngọc và đồng phạm bị truy tố, đồng thời ông Dồi chính thức được minh oan. Tháng 4-1989, Tòa án Quân sự Cấp cao xử phúc thẩm đã tuyên phạt Thái Văn Hùng 18 năm tù về tội giết người; Nguyễn Ngọc 20 năm tù về tội giết người, ba năm tù về tội vu khống, tổng hợp hình phạt là 20 năm tù. Bản án của tòa khẳng định ông Dồi là quân nhân bị giết hại khi đang làm nhiệm vụ và kiến nghị các cơ quan chức năng phục hồi chế độ chính trị, giải quyết chính sách cho ông.

Tháng 9-1991, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Minh Hải gửi giấy báo tử cho gia đình, xác nhận ông Dồi là liệt sĩ. Tuy nhiên, không rõ vì sao việc này không được thực hiện ngay mà Sở LĐ-TB&XH tỉnh Minh Hải lại có văn bản xin ý kiến Bộ LĐ-TB&XH. Bốn năm sau, Bộ LĐ-TB&XH mới ra công văn đề nghị Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh BĐBP) xem xét, có ý kiến.

Vụ việc từ đó rơi vào quên lãng trong 21 năm. Suốt thời gian đó bà Mai đã liên tục gõ cửa các cơ quan chức năng. Nhưng phải đến cuối năm 2015, vấn đề công nhận liệt sĩ cho ông Dồi mới được tỉnh Cà Mau xới lại. Lật lại hồ sơ, tháng 2-2016, Sở LĐ-TB&XH chủ trì hội nghị liên tịch với sáu cơ quan khác (trong đó có Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) và thống nhất đề nghị suy tôn ông Dồi là liệt sĩ.

Ý kiến tập thể này được gửi lên Bộ LĐ-TB&XH nhưng cơ quan này chuyển sang Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị). Cục Chính sách lại chuyển hồ sơ sang Cục Chính trị nhưng cục này báo cáo sang Bộ Tư lệnh BĐBP. Cuối cùng hồ sơ lại được chuyển về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cà Mau nghiên cứu, báo cáo. Đến tháng 12-2016, BĐBP tỉnh có ý kiến rằng không có cơ sở công nhận liệt sĩ cho ông Dồi…

TIẾNG NÓI NGƯỜI TRONG CUỘC

Anh ấy đã dũng cảm làm đúng

Khi hay tin Chính phủ chỉ đạo làm rõ, tôi ngồi không vững, nước mắt cứ trào ra vì quá mừng. Tôi đã chờ đợi ngày này 27 năm qua, kể từ sau khi vụ án kết thúc vào năm 1991. Việc được phong là liệt sĩ là danh dự anh ấy xứng đáng được nhận. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ chồng mình. Anh ấy trung thực, thẳng thắn, không thỏa hiệp với tiêu cực. Trước khi chết khoảng 10 ngày, anh ấy tâm sự rằng là có chuyện bực bội ở cơ quan, một số đồng chí đã làm những việc trái pháp luật. Và cái chết của anh ấy, như mọi người đã biết đó là một vụ giết người diệt khẩu. Giả sử chịu thỏa hiệp với cái xấu thì anh không bị thủ tiêu, thậm chí còn được hưởng lợi ích nhưng anh ấy đã dũng cảm làm đúng.

 Bà NGUYỄN THỊ MAI, vợ ông Lữ Anh Dồi

Xứng đáng là liệt sĩ

Một năm trước, trong lúc đọc sách báo tôi biết có vụ án Lữ Anh Dồi ở Cà Mau chìm trong bóng tối, nhờ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mà nó được soi rõ trắng đen. Tôi đã từ Gia Lai tìm đến Cà Mau gặp chị Mai và biết chị đã nhiều năm đeo đuổi đòi danh dự cho chồng. Cảm thông với người vợ, người phụ nữ quả cảm, thủy chung son sắt ấy, tôi đã tìm hiểu vụ án và thấy anh Dồi xứng đáng là liệt sĩ. Vì thế, gần một năm qua tôi đã đồng hành giúp chị Mai đi đòi danh dự cho chồng.

Ông ĐẶNG VĂN CUNG

Lịch sử phải được viết đúng

Khi xảy ra vụ án Lữ Anh Dồi, tôi là quyền tổng biên tập báo Minh Hải. Tôi đã chỉ đạo các PV viết bài và trực tiếp biên tập tất cả bài viết về vụ án. Ngay thời điểm đó, ai cũng đoán ra động cơ của Nguyễn Ngọc và đồng phạm là giết người diệt khẩu. Nếu anh Dồi còn sống thì họ sẽ gặp hiểm nguy lớn. Cần phải xem lại việc cơ quan chức năng không đồng ý đề nghị xét liệt sĩ cho anh Dồi là do không có quy định. Không thể lập luận vậy bởi chúng ta phải trở lại lịch sử, bối cảnh thời điểm đó. Lấy cái quy định hôm nay mà xét chuyện của 27 năm trước thì không khách quan, chính xác. Anh Dồi xứng đáng được công nhận là liệt sĩ.

Ông PHẠM VĂN TRI

TRẦN VŨ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm