Đậu xe trước nhà, bị chủ nhà ra... đốt xe

 Clip: Gửi xe trước nhà bị chủ nhà ra... đốt xe luôn

Sáng 1-5, một đoạn clip được đăng tải trên một tài khoản Facebook ghi nhận sự việc xảy ra tại đường Lê Hồng Phong, phường 8 ,TP Cà Mau.

Chiếc xe đang bốc cháy (Ảnh cắt từ clip).

Theo Facebook chia sẻ, một người đi xe ba gác đậu nhờ xe trước nhà người đàn ông áo xanh (được biết người đàn ông áo xanh là tài xế taxi) để vào trong vác đồ của khách, trên xe ba gác có chở một chiếc xe đạp.

Tuy nhiên, vì bực tức bị đậu xe trước cửa nhà mình, người đàn ông áo xanh đã đổ xăng tưới lên, đốt xe ba gác. Chiếc xe bốc cháy dữ dội, người đốt xe phải kéo xe ra xa khỏi nhà trong khi những người lưu thông trên đường ái ngại né tránh.

Một lát sau, chủ xe ba gác quay lại vội kéo xe sang bên kia đường và dùng nước dập phần lửa còn chưa tắt.

Sự việc xảy ra vào ngày Quốc tế Lao động trong khi mọi người được nghỉ lễ thì người lái xe ba gác vẫn làm việc và chiếc xe là vật dụng mưu sinh hằng ngày đã khiến dư luận bức xúc.

Vấn đề pháp lý đặt ra là hành vi của người áo xanh trong clip sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo LS Huỳnh Thị Ngọc Xuân (Đoàn Luật sư TP.HCM) đây là hành vi hủy hoại tài sản của người khác, tuy nhiên tùy vào tính chất của hành vi và mức độ thiệt hại để xác định người đốt xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trong trường hợp này, nếu tài sản bị hư hỏng có tổng giá trị tính ra tiền dưới 2 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng về hành vi hủy hoại tài sản của người khác (theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội...) và phải bồi thường khoản tiền tương ứng với thiệt hại xảy ra.

Cạnh đó, LS Xuân còn cho rằng người đàn ông áo xanh trong clip đốt xe ngay trên đường phố, có rất nhiều phương tiện đang lưu thông gây mất trật tự địa phương; đó là chưa kể trong clip còn nghe rõ có những tiếng nổ lốp bốp phát ra từ đám cháy, điều này rất nguy hiểm cho người đi đường. Vì vậy, hành vi này còn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi gây mất trật tự công cộng theo điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP nêu trên.

Có thể bị xử lý hình sự

Cũng theo LS Xuân, tại khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 (sửa đổi khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”) có quy định:

“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật”.

Tội hủy hoại tài sản không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu bị hại (theo Điều 155 BLTTHS 2015) và đối chiếu quy định trên, nếu tài sản bị hủy hoại từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì người này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định trên.

LS Xuân còn cho rằng hành vi đốt xe trên xảy ra ngay trên đường phố gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản bị đốt là chiếc xe ba gác nên nếu có cơ sở chứng minh chiếc xe bị đốt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì người rưới xăng đốt xe vẫn bị xử lý hình sự dù tài sản bị đốt dưới 2.000.000 đồng theo điểm c hoặc d điều khoản trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm