Đại gia Hứa Thị Phấn lãnh 30 năm tù

Chiều tối 31-5, TAND TP.HCM đã tuyên phạt nữ đại gia Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT TRUSTBank, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ) 20 năm tù đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội cố ý làm trái..., tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, bà Phấn phải bồi thường 1.105 tỉ đồng thiệt hại từ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hơn 15.600 tỉ đồng từ hành vi cố ý làm trái...

Nữ bị cáo ôm con thơ tới tòa lãnh 28 năm tù

Cùng hai tội danh trên, bị cáo Bùi Thị Kim Loan (trợ thủ đắc lực của bà Phấn) bị phạt tổng cộng 28 năm tù, bị cáo Ngô Kim Huệ (nguyên thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc Ngân hàng (NH) Đại Tín, cháu bà Phấn) bị phạt tổng cộng 10 năm tù.

Bị cáo Lâm Kim Dũng (nguyên giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang, cháu rể bà Phấn) bị phạt sáu năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo khác là Hoàng Văn Toàn (nguyên chủ tịch HĐQT NH Đại Tín), Trần Sơn Nam (nguyên tổng giám đốc NH Đại Tín), Nguyễn Vĩnh Mậu (nguyên phó chủ tịch HĐQT NH TMCP Đại Tín), Nguyễn Công Tụ (nguyên giám đốc Công ty TrustAsset), Bùi Thế Nghiệp (nhân viên định giá Công ty TrustAsset) và nhiều bị cáo khác bị phạt từ hai năm án treo đến 10 năm tù về tội cố ý làm trái...

HĐXX đề nghị tiếp tục duy trì kê biên toàn bộ tài sản, cổ phần, cổ phiếu chứng khoán xác định của bị cáo Phấn và những người đứng tên giùm cho bà Phấn, tiếp tục kê biên 114 bất động sản liên quan tới việc chuyển giao cho ông Phạm Công Danh để xem xét trong giai đoạn sau. HĐXX quyết định giải tỏa kê biên chiếc xe Maybach, giao cho chủ sở hữu là Công ty Thiên Tân quản lý. Đồng thời, HĐXX cũng có một số kiến nghị đề nghị CQĐT làm rõ như việc thuế thu nhập đối với căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch...

Đại gia Hứa Thị Phấn lãnh 30 năm tù ảnh 1
Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: HY

Tòa không chấp nhận chứng cứ mới

Về việc vắng mặt bà Phấn tại phiên tòa, HĐXX không thực hiện áp giải bà đến là do đã tuổi cao, sức khỏe kém. Bị cáo có năm luật sư (LS), việc xét xử còn sử dụng nhiều lời khai để làm rõ các hành vi. Như vậy việc xét xử vắng mặt bị cáo này là phù hợp BLTTHS, không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bị cáo.

Trong phiên xử, một số LS cho rằng có dấu hiệu mớm cung, ghi lời khai không khách quan trong quá trình điều tra, truy tố vụ án. HĐXX đánh giá đó chỉ mang tính chất suy đoán, chủ quan của LS. Bởi lẽ trong quá trình lấy lời khai, đương sự có quyền giữ nguyên hoặc thay đổi nội dung đã trình bày tại bản tường trình, cũng như không có quy chuẩn nào xác định mỗi giờ làm việc điều tra viên có thể đánh máy bao nhiêu lời khai.

Đối với một số biên bản ghi lời khai, bản hỏi cung trùng lặp về mặt thời gian như lời trình bày tại tòa của LS, quá trình xét hỏi công khai tại phiên tòa các bị cáo đều xác định việc tham gia hỏi cung giữa các bị cáo cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoàn toàn độc lập và nội dung ghi tại các biên bản hỏi cung, biên bản lấy lời khai nói trên hoàn toàn đúng sự thật, không bị ép cung.

Việc LS cho rằng HĐXX có 3/5 người từng tham gia phiên xử ra quyết định khởi tố vụ án này, sau đó những người này lại là thành viên HĐXX trong vụ án là vi phạm tố tụng, tòa khẳng định trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1, HĐXX đã ban hành ba quyết định khởi tố, các quyết định này hoàn toàn khách quan, không vi phạm quy định của pháp luật. Không có điều luật nào quy định thành phần HĐXX khởi tố vụ án thì không được tham gia xét xử chính vụ án đó.

Đại gia Hứa Thị Phấn lãnh 30 năm tù ảnh 2

Về chứng cứ mới của LS bà Phấn, tòa xét nguồn gốc việc thu thập chứng cứ của LS không thể xác định. Không thể chứng minh được chiếc USB này là do bà Phấn cung cấp, mặt khác hiện nay cũng chưa đối chất được với bà. Vì vậy không có căn cứ để chấp nhận đây là chứng cứ của vụ án…

Về nội dung vụ án, HĐXX nhận định tội danh của bà Phấn và các đồng phạm mà VKS truy tố là có cơ sở. Bà Phấn là người chủ mưu đề ra chủ trương, chỉ đạo các bị cáo Toàn, Huệ, Loan thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại hơn 6.300 tỉ đồng cho NH Đại Tín. Cụ thể, bị cáo chiếm đoạt số tiền 1.105 tỉ đồng từ việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và sử dụng số tiền 5.200 tỉ đồng bằng thủ đoạn thu chi khống các khoản vay của Công ty Phương Trang.

Khi lượng hình, HĐXX cũng xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho một số bị cáo như ăn năn hối cải, nhân thân tốt, làm theo chỉ đạo, không hưởng lợi… Tuy nhiên, hậu quả các bị cáo gây ra là lớn nên cần có mức án nghiêm khắc.

Nhóm Phương Trang chỉ phải trả 6.406 tỉ đồng

Một vấn đề đáng chú ý khác liên quan đến nhóm Công ty Phương Trang. Qua các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, trong giai đoạn 2010-2011, Công ty Phương Trang và các đối tác đã ký 82 hợp đồng tín dụng, một khoản nhận nợ bắt buộc và một khoản phát hành trái phiếu tại NH Đại Tín. Do biết Phương Trang cần vay tiền mở rộng hoạt động kinh doanh, bà Phấn đã chỉ đạo buộc nhóm Phương Trang ký trước các hồ sơ, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt, phê duyệt cho vay và giải ngân không có thông báo cho nhóm Phương Trang. Bị cáo đã lợi dụng ảnh hưởng của mình tại NH mà chỉ đạo các nhân viên để thu chi khống các khoản vay, đẩy dư nợ khống phía Phương Trang, số tiền giải ngân cho Phương Trang bị cáo Phấn đã lấy ra sử dụng.

Tất cả 196 giao dịch thu chi tiền mặt tại NH Đại Tín đều không thực hiện đúng quy định, không có khách đến nhận tiền. Việc bị cáo nói thực hiện đúng quy định là không đúng. Thu chi tiền mặt phải căn cứ vào chứng từ kế toán có chữ, nhân viên giao dịch phải đối chiếu với khách hàng. HĐXX cho rằng có đủ căn cứ chứng minh NH Đại Tín không có đủ tiền mặt để giải ngân. Qua kiểm tra sổ quỹ, HĐXX thấy nhiều điều mâu thuẫn, đồng thời không ghi nhận đúng thời gian, không phù hợp với luật kế toán.

Theo HĐXX, không thể buộc nhóm Phương Trang phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền gần 27.000 tỉ đồng nợ gốc lẫn lãi như NH Xây dựng (tiền thân là NH Đại Tín) trình bày mà chỉ chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền thực nhận của các khoản vay cùng số tiền lãi tương ứng là 6.406 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm