CQĐT, VKS không tạm giam, tòa lại ra lệnh bắt

Mới đây, người nhà của bị can Mai Trường Giang đã đến VKSND huyện Bàu Bàng (Bình Dương) xin bảo lãnh cho Giang tại ngoại. Tuy nhiên, do đơn xin bảo lãnh chưa có chữ ký của mẹ Giang nên gia đình phải chạy về lại quê ở huyện Chợ Mới (An Giang) để bổ sung.

Tòa bất ngờ bắt tạm giam

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, Giang là tài xế xe tải, có bằng lái hạng C, lái xe thuê cho một DNTN ở An Giang. Dương Văn Trắng là tài xế xe khách, có bằng lái hạng E, lái thuê cho một DNTN ở Cà Mau.

Rạng sáng 30-4-2015, tại đoạn quốc lộ qua huyện Bàu Bàng, Trắng lái xe khách loại 52 giường nằm tấp vào lề nơi có biển cấm dừng, đỗ để cho khách đi vệ sinh, đuôi xe đậu lấn ra 2/3 làn đường dành cho xe tải. Năm phút sau, Giang lái xe tải chạy phía sau cùng chiều, do ngủ gật nên đã đâm vào đuôi xe khách. Tai nạn làm hai chiếc xe bị hư hỏng (theo định giá, xe khách thiệt hại 263 triệu đồng, xe tải thiệt hại 234 triệu đồng).

Tháng 10-2015, Công an huyện Bàu Bàng đã khởi tố Trắng và Giang về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 1 Điều 202 BLHS. Hai chủ xe được xác định là hai người bị hại. Chiều 16-8-2016, TAND huyện Bàu Bàng đã xử sơ thẩm vụ án. Sau khi nghị án kéo dài, chiều 23-8, tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm xác định rõ người đại diện hợp pháp của hai công ty bảo hiểm cho xe tải, xe khách…

Điều đáng nói là trong giai đoạn điều tra và truy tố, cả Giang và Trắng đều được cho tại ngoại vì có nơi cư trú rõ ràng, có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo và hợp tác tốt với CQĐT, VKS. Tuy nhiên, sau khi hồ sơ vụ án được chuyển qua TAND huyện Bàu Bàng, tháng 3-2016, Trắng bất ngờ bị tòa ra lệnh bắt tạm giam. Một tháng sau, Giang cũng bất ngờ bị tòa ra lệnh bắt tạm giam ngay tại phiên xử sơ thẩm lần đầu khi có mặt theo giấy triệu tập (lần này tòa cũng hoãn xử vì vắng mặt đại diện bên bảo hiểm).

Dương Văn Trắng (trái) và Mai Trường Giang tại phiên xử ngày 16-8 của TAND huyện Bàu Bàng, Bình Dương. Ảnh: P.LOAN

Sao cứ phải tạm giam?

Đây là một tình huống khá lạ bởi thông thường trong thực tiễn, nghi can thường bị tạm giam trong các giai đoạn điều tra, truy tố, qua đến giai đoạn xét xử thì có thể được cho tại ngoại chứ ít khi xảy ra chuyện ngược lại, trừ khi nghi can có biểu hiện gây cản trở cho việc xét xử của tòa như triệu tập không đến mà không có lý do... Ở đây, cả Trắng và Giang đều chấp hành tốt các quyết định triệu tập của cơ quan tố tụng và không bỏ trốn, không cản trở việc xét xử của tòa.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) và các luật sư Nguyễn Văn Hồng, Lê Quang Vũ, Đặng Thành Trí (cùng là thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM) đều có chung quan điểm rằng trường hợp này tòa tạm giam chưa đúng quy định của BLTTHS hiện hành.

Cụ thể, Trắng và Giang bị truy tố theo khoản 1 Điều 202 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt là năm năm tù. Theo Điều 8 BLHS, đây là tội phạm nghiêm trọng (tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất là của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù). Với tội phạm nghiêm trọng, điểm b khoản 1 Điều 88 BLTTHS quy định bị can, bị cáo có thể bị tạm giam khi có căn cứ để cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Trong khi đó, như đã nói, Trắng và Giang hoàn toàn không thuộc trường hợp có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Nhằm làm rõ hơn tình huống này, chúng tôi đã liên hệ với TAND huyện Bàu Bàng. Ông Cao Nhật Thanh (Chánh án TAND huyện Bàu Bàng) đã ghi nhận lại các câu hỏi của chúng tôi, cho biết sẽ làm việc với thẩm phán được phân công giải quyết vụ án và sẽ trả lời vào ngày 8-9. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi nhận được câu trả lời của tòa.

Tiêu điểm

VKS phải kiểm sát chặt chẽ

Ngày 16-6-2016, VKDND Tối cao đã có Công văn số 2307 yêu cầu kể từ ngày 1-7-2016, các VKS phải kiểm sát chặt chẽ các căn cứ và thời hạn áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam theo các quy định mới của BLTTHS 2015. Trường hợp xét thấy việc tạm giam không có căn cứ hoặc không cần thiết thì VKS ra quyết định hủy bỏ hoặc quyết định không phê chuẩn lệnh, quyết định và yêu cầu CQĐT trả tự do ngay cho người bị tạm giam.

Đối với quyết định tạm giam của tòa, VKS phải kiểm sát chặt chẽ các căn cứ và thời hạn áp dụng biện pháp này. Trường hợp xét thấy việc tạm giam không có căn cứ hoặc không cần thiết theo quy định của BLTTHS 2015 thì VKS thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị theo quy định của BLTTHS 2015.

Hiện nay, tuy BLTTHS 2015 đang tạm dừng thi hành để chờ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, Công văn số 2307 vẫn được áp dụng trong ngành kiểm sát theo tinh thần có lợi cho người phạm tội

__________________________________

BLTTHS 2015 siết chặt hơn các căn cứ tạm giam

Biện pháp tạm giam là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất trong tố tụng hình sự. Về thực trạng áp dụng tạm giam, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ từng phát biểu: “Thực tế có khoảng 80% vụ án cứ khởi tố là bắt tạm giam, kể cả khi đó là các cháu học sinh, sinh viên”. Khi nghe báo cáo về công tác giám sát án oan, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhận xét có dấu hiệu lạm dụng tạm giữ, tạm giam...

Để tránh việc lạm dụng, BLTTHS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 nhưng đang tạm dừng thi hành) đã quy định rõ hơn các căn cứ để tạm giam. Theo đó, việc tạm giam chỉ có thể được áp dụng khi bị can, bị cáo thuộc một trong bảy trường hợp: Thứ nhất là đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm. Thứ hai là không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can. Thứ ba là bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn. Thứ tư là tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội. Thứ năm là có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật. Thứ sáu là tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án. Thứ bảy là đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Cạnh đó, BLHS 2015 đã dành một điều (Điều 377) quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật với mức hình phạt từ sáu tháng tù đến 12 năm tù (hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một đến năm năm).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm