‘Chồng tôi đưa tiền cho ai thì tôi quyết đòi người ấy!’

Mới đây, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm vụ kiện đòi tài sản giữa nguyên đơn là mẹ con bà TTHV và bị đơn là ông TVM. Tòa đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm, bác yêu cầu của nguyên đơn đòi ông TVM trả 800 triệu đồng từ hợp đồng mua bán lúa.

Vụ kiện này lạ ở chỗ nguyên đơn đòi 800 triệu đồng, bị đơn nói không có vay, mượn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhận trách nhiệm sẽ trả khoản tiền này nhưng nguyên đơn kiên quyết không chịu.

Bị bác đơn vì không có giấy tờ chứng minh

Theo đơn kiện, bà V. trình bày lúc chồng bà còn sống, chồng bà và ông M. có thỏa thuận bằng miệng về việc mua bán lúa. Theo đó, chồng bà đưa cho ông M. 700 triệu đồng mua 100 tấn lúa để cuối vụ bán lại với giá 8.300 đồng/kg. Tức cuối vụ lúa, chồng bà sẽ nhận lại tổng số tiền 830 triệu đồng, nếu ông M. bán giá cao hơn thì được hưởng số tiền chênh lệch đó. Tuy nhiên, sau khi vụ lúa kết thúc, ông M. không trả tiền. Chồng bà đến tìm ông M. hỏi thì ông nói không lấy số tiền đó mà đã đưa hết cho ông NTL.

Theo bà V., sau khi chồng bà chết, ông L. đã trả lại cho gia đình bà 30 triệu đồng. Còn 800 triệu đồng đến nay gia đình bà vẫn chưa nhận được nên mẹ con bà khởi kiện yêu cầu ông M. trả số tiền đó.

Ông M. không thừa nhận có hợp đồng mua bán với chồng bà V. và cũng không nhận tiền của chồng bà. Ông nói mình chỉ là người giới thiệu chồng bà V. với ông L. nên ông không đồng ý trả tiền cho bà V.

Xử sơ thẩm vào tháng 11-2016, TAND quận Thốt Nốt cho rằng nguyên đơn kiện đòi ông M. trả tiền nhưng lại không có bất kỳ giấy tờ gì chứng minh ông M. đã nhận tiền từ chồng mình. Từ đó, tòa bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Sau đó nguyên đơn kháng cáo.

“Tôi đòi ông M.”

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà V. yêu cầu hủy án sơ thẩm, buộc ông M. trả cho bà 800 triệu đồng như đơn khởi kiện ban đầu.

Khi được tòa hỏi, ông L. (ra tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) đã thừa nhận có lấy tiền của chồng bà V. và chấp nhận trả lại.

Tuy nhiên, bà V. kiên quyết không nhận tiền từ ông L. Trả lời tòa, bà V. nói: “Chúng tôi chỉ đưa tiền cho ông M. chứ không biết đến ông L. Đưa tiền cho ai thì tôi đòi người đó. Chính ông M. đã làm gia đình tôi tan nát nên tôi chỉ đòi ổng”.

Tòa phân tích: “Người mà bà cần kiện là ông L. chứ không phải là ông M. Chồng bà đưa tiền cho người ta nhưng không làm giấy tờ gì mà ông M. lại không thừa nhận đã nhận số tiền đó thì lấy căn cứ đâu mà bà đòi? Nay ông L. đã thừa nhận và chấp nhận trả tiền lại cho gia đình thì cứ nhận đi, không sẽ mất oan số tiền lớn”.

Tuy vậy, bà V. vẫn khăng khăng: “Chúng tôi thà bỏ 800 triệu đồng chứ nhất định không nhận tiền của ông L.!”.

Giải thích mãi mà bà V. vẫn không chịu đổi ý, một vị thẩm phán đã phải thốt lên: “Tôi xử án mấy chục năm nay đây là trường hợp đầu tiên mà tôi gặp. Chúng tôi đã cắt nghĩa, giải thích hết lời mà mẹ con chị vẫn không hiểu. Có thể gia đình chị rất giàu có nhưng việc bỏ không một khoản tiền lớn như vậy thật sự không đáng!”.

Kiện người...

Cuối cùng, vì nguyên đơn không trưng ra được chứng cứ ông M. nhận tiền nên tòa bác kháng cáo, bác yêu cầu của nguyên đơn, tuyên y án sơ thẩm.

Sau khi tuyên án, chủ tọa còn nán lại giải thích cho mẹ con bà V.: “Nếu sau này hai mẹ con chị muốn thay đổi ý định, kiện ông L. để đòi lại số tiền thì có thể làm đơn khởi kiện và trực tiếp đến tòa xin biên bản phiên tòa hôm nay để làm căn cứ. Mặc dù đương sự từ chối quyền lợi của mình nhưng chúng tôi làm theo luật, bảo vệ quyền lợi của đương sự đến mức độ nào mà luật pháp cho phép, dù đương sự không cần sự bảo vệ đó”.

Nghe xong, mẹ con bà V. nói lời cảm ơn và khẳng định quyết kiện ông M., không kiện ông L.!

Tòa làm hết trách nhiệm, bà V. nên nghĩ lại!

Trong vụ việc này, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Vì nghĩa vụ chứng minh việc ông M. nợ tiền chồng bà V. là của nguyên đơn, mà nguyên đơn không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh. Việc mẹ con bà V. có thể vì oán giận mà khăng khăng đòi tiền ông M. trong khi ông L. đã thừa nhận mình mới chính là người nhận tiền và có thiện chí trả tiền. Rõ ràng phần thiệt thuộc về mẹ con bà V.

Tôi nghĩ mẹ con bà V. không nên quá cứng nhắc, vì nó không giải quyết được vấn đề mà còn tốn kém thời gian, công sức kiện tụng. Bởi lẽ vụ kiện ông M. đã bị tòa bác, nay muốn đòi lại số tiền này thì mẹ con bà phải đi kiện ông L. theo tiến trình tố tụng mới. Tôi mong mẹ con bà V. nên suy nghĩ lại và khởi kiện cho đúng để tránh thiệt thòi cho mình.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm