'Cấm dịch vụ đòi nợ thuê dễ dẫn đến hiệu ứng ngược'

Chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài viết này đến bạn đọc (bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả):

Khi cho vay nợ tất yếu phát sinh quyền đòi nợ (nếu người trả nợ chây ỳ và BLDS cũng quy định rõ điều này). Khi cho vay nợ, người cho vay có thể tự mình hoặc ủy quyền cho một người khác đi đòi nợ.

Như vậy, dịch vụ đòi nợ thuê tiến hành thu hồi nợ của người vay nợ thì đó là thực hiện công việc do chủ nợ ủy quyền. Thực tế là khoản 2 Điều 34 Nghị định 96/2016 về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng quy định: cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được hoạt động dịch vụ đòi nợ trong phạm vi pháp luật cho phép và phải có hợp đồng ủy quyền của chủ nợ”. Với tư duy đó thì việc chủ nợ tự mình hay nhờ dịch vụ đòi nợ thuê đều hướng tới mục đích là thu hồi được khoản nợ, vì suy cho cùng trả nợ là nghĩa vụ của người vay nợ. Phải khẳng định “thu hồi được khoản nợ” là mục đích mà chủ nợ và dịch vụ đòi nợ thuê hướng tới đầu tiên và chủ yếu chứ không phải bất kỳ một mục đích nào khác.

Thứ hai, giữa “dịch vụ đòi nợ thuê” và “sự biến tướng của đòi nợ thuê” là hai phạm trù không thể đồng nhất. “Dịch vụ đòi nợ thuê” thực hiện một công việc ủy quyền hợp pháp. Trong khi đó, biến tướng của đòi nợ thuê như đe dọa mang tính chất xã hội đen hay trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ là những hành vi trái pháp luật. Thực tế là khoản 4 Điều 34 Nghị định 96/2016 cũng đã quy định “khi thực hiện đòi nợ không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng các phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng.

Do đó, nếu xảy ra trường hợp nhân viên của cơ sở kinh doanh thực hiện việc đòi nợ xúc phạm, chửi mắng, hành hung, gây thương tích cho người vay nợ thì hoàn toàn có thể sử dụng chế tài hành chính, thậm chí là chế tài hình sự để xử lý.

Hiện nay, các chế tài này được điều chỉnh cụ thể trong Nghị định 167/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và trong BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cái cần cấm đoán (biến tướng của đòi nợ thuê) hiện nay chúng ta đã làm. Vậy thì “dịch vụ đòi nợ thuê” có tội tình gì mà phải chịu vạ lây? Cấm “dịch vụ đòi nợ thuê” không khéo chỉ là kê toa nhầm thuốc mà thôi.

TS Cao Vũ Minh, giảng viên khoa Luật Hành chính, Trường ĐH Luật TP.HCM.

Thứ ba, biến tướng của đòi nợ thuê có thể phát sinh là do quá trình quản lý chưa hiệu quả của các cơ quan nhà nước. Nói cách khác, hoạt động quản lý, kiểm tra, thanh tra, xử lý chưa nghiêm minh là nguyên nhân dẫn đến những biến tướng kể trên.

Trong khi Nghị định 96/2016 quy định rất chặt chẽ về điều kiện, trách nhiệm… đối với kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đã có những quy định rõ ràng như vậy thì việc quản lý của các cơ quan nhà nước đâu thể nói là quá khó khăn hay bất khả thi. Suy cho cùng, chức năng quản lý là một trong những chức năng quan trọng nhất của Nhà nước. Nếu việc quản lý chưa được thực hiện tốt thì phải tăng cường chứ không nên tạo ra sự cấm đoán thiếu cơ sở.

Thứ tư, không thể cho rằng “Nhà nước ta đã có đầy đủ các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như tòa án, VKS, thi hành án. Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại… sẽ có thẩm quyền thi hành nên không cần thiết phải có thêm hoạt động đòi nợ thuê”. Muốn được thi hành án thì trước hết người cho vay phải khởi kiện vụ án, trải qua quá trình xét xử để ra được bản án rồi sau đó mới có thể thi hành án. Đi theo thủ tục này, người cho vay có thể thu hồi được nợ nhưng thời gian khá lâu.

Trong khi đó, “dịch vụ đòi nợ thuê” lại có thể phát huy tác dụng thu hồi nợ nhanh hơn, mang tính dân sự hơn vì người cho vay và người vay không phải rơi vào tình cảnh “vô phúc” do “đáo tụng đình”. Dịch vụ này đặc biệt phát huy tác dụng trong bối cảnh thi hành án dân sự ở nước ta hoạt động chưa thật sự hiệu quả, tỉ lệ thi hành án thành công chưa cao. Tóm lại, đa dạng hóa các hình thức thu hồi nợ (qua thi hành án, thừa phát lại, đòi nợ thuê…) giúp cho các chủ thể có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc thu hồi tài sản của mình. Xu hướng này cũng phù hợp với tiến trình dân chủ, đề cao quyền con người, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Thứ năm, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấm kinh doanh “dịch vụ đòi nợ thuê” không khéo lại dẫn đến hiệu ứng ngược là làm phát sinh và nở rộ “dịch vụ đòi nợ thuê bất hợp pháp” nhằm lấp vào khoảng trống của sự thiếu hụt. Có thể khẳng định, cấm kinh doanh “dịch vụ đòi nợ thuê” sẽ vẫn không triệt tiêu được hiện tượng đòi nợ thuê bất hợp pháp. Lúc đó, công tác quản lý của Nhà nước càng khó khăn hơn bởi “nắm người có tóc vẫn dễ hơn so với nắm kẻ trọc đầu”.

Cuối cùng, quyền tự do kinh doanh là quyền hiến định. Công dân có quyền kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm. Cho đến nay, “dịch vụ đòi nợ thuê” là một ngành nghề kinh doanh hợp pháp. Muốn cấm việc kinh doanh “dịch vụ đòi nợ thuê”, các nhà quản lý phải biến chủ trương này thành pháp luật. Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua quy trình lập pháp chặt chẽ với sự tham gia ý kiến của nhân dân và phải được cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội thông qua.

Tóm lại, cần phân định rạch ròi giữa “dịch vụ đòi nợ thuê” với biến tướng vi phạm pháp luật của đòi nợ thuê để có cách ứng xử phù hợp. Công bằng mà nói “dịch vụ đòi nợ thuê” có thể là mảnh đất màu mỡ dẫn đến những biến tướng kể trên. Tuy nhiên, nó chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho biến tướng chứ không làm phát sinh các hành vi này. Do đó, thừa nhận “dịch vụ đòi nợ thuê” là một ngành nghề kinh doanh hợp pháp và đưa vào diện quản lý chặt chẽ sẽ bảo đảm hài hòa các lợi ích. Bên cạnh đó, các biến tướng của hiện tượng này cũng sẽ vì thế mà bị trừng trị và loại trừ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm