Bị hàng xóm xây nhà nhầm trên đất của mình

TAND huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) vừa xử sơ thẩm vụ án đòi lại tài sản hy hữu vì nguyên đơn bị người hàng xóm xây nhầm nhà trên đất của mình.

Theo đơn kiện của vợ chồng bà Nguyễn Thị Tám, 16 năm trước (năm 2002) vợ chồng bà được UBND huyện cấp giấy đỏ thửa đất số 19 tại khu dân cư Kim Bình, huyện Hàm Thắng có diện tích 200 m2. Do là giáo viên còn khó khăn, chưa đủ tiền xây nhà nên gia đình bà tạm thời ở căn nhà cũ, để đất trống.

Cạnh lô số 19 của bà Tám là thửa đất số 18 người chủ đất đã xây căn nhà cấp 4 và liền kề là thửa đất số 17 cũng có diện tích 200 m2. Đây nguyên là lô đất của ông H. được cấp giấy đỏ, sau đó ông H. đã chuyển nhượng cho người khác. Đến năm 2017, người này bán lại cho ông Lê Văn Mười đồng đứng tên sử dụng cùng năm anh chị em trong gia đình.

Ngày 29-5-2017, ông Mười được UBND huyện Hàm Thuận Bắc cấp giấy phép xây dựng nhà trên thửa đất số 17. Thế nhưng không hiểu sao ông Mười lại tập kết vật liệu rồi xây dựng một căn nhà lầu trên thửa đất số 19 của bà Tám mặc dù cách hai lô đất là căn nhà cấp 4 trên thửa đất số 18.

Khi đi thăm đất, vợ chồng bà Tám đã tá hỏa khi thấy trên lô đất của mình mọc lên căn nhà lầu. Vợ chồng bà Tám làm đơn khiếu nại thì ông Mười cho rằng lý do ông xây nhầm là do người bán chỉ nhầm miếng đất! Sau nhiều lần hòa giải ở chính quyền địa phương không thành, vợ chồng bà Tám khởi kiện ra TAND huyện Hàm Thuận Bắc yêu cầu ông Mười trả lại đất.

Căn nhà ông Mười xây nhầm trên đất của bà Tám. Ảnh: PN

Tại phiên xử sơ thẩm, TAND huyện nhận định khi xây nhà ông Mười và các anh chị em liên quan nghĩ là xây dựng trên phần đất đã mua lại chứ không biết xây dựng trên thửa đất số 19 của bà Tám. Thời gian ông Mười xây dựng nhà hơn sáu tháng nhưng nguyên đơn không hề ngăn cản, chính quyền địa phương cũng không biết để can thiệp kịp thời. Việc ông Mười xây nhà nhầm là do người bán chỉ sai vị trí đất. Nếu giải quyết theo yêu cầu của nguyên đơn phá nhà, trả lại thửa đất số 19 thì gây lãng phí, làm thiệt hại lợi ích của đương sự. Vì thế cần giao diện tích đất của nguyên đơn cho ông Mười và các anh chị em và họ cùng có trách nhiệm trả lại giá trị đất 200 m2 cho vợ chồng bà Tám.

HĐXX quyết định: “Tại biên bản định giá đất vào tháng 6-2018 thì giá trị đất tranh chấp là 2 triệu đồng/m2, tức lô đất có giá 400 triệu đồng. Do đó bác yêu cầu phá dỡ nhà, trả lại đất của nguyên đơn”. Ông Mười là người trực tiếp sử dụng nhà nên trả 70 triệu đồng; năm anh chị em của ông Mười mỗi người phải trả 66 triệu đồng cho nguyên đơn.

Ngay sau phiên xử sơ thẩm, vợ chồng bà Tám đã nộp đơn kháng cáo. Theo bà, việc tòa án cấp sơ thẩm buộc ông Mười phải hoàn trả 400 triệu đồng giá trị thửa đất là không ổn. Vì lô đất hơn 200 m2 của gia đình bà giá thị trường cả tỉ đồng nhưng tòa lại áp theo giá nhà nước để yêu cầu bị đơn trả 400 triệu đồng là không đúng. Ngoài ra, có thể quyết định của tòa sẽ tạo ra tiền lệ xấu và tước đi quyền sử dụng đất hợp pháp của công dân. Theo bà Tám, bà không có lỗi gì trong việc ông Mười xây nhầm nhà mà lỗi hoàn toàn do phía bị đơn, lẽ ra bà phải được nhận lại lô đất mà bà có quyền sử dụng hợp pháp.

UBND huyện đã trả lời tòa nội dung gì?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết trong quá trình thụ lý vụ kiện, TAND huyện có văn bản hỏi và Phòng TN&MT, UBND huyện đã có công văn trả lời. Cụ thể việc ông Mười xây nhà ở trên đất của vợ chồng bà Tám là có thật. Văn bản của phía ủy ban cũng cho rằng quá trình xây nhầm nhà ông Mười còn lấn chiếm thêm hơn 28 m2 so với diện tích trong giấy đỏ đã cấp cho vợ chồng bà Tám. Theo đó, ông Mười đã xây sân và tường rào lấn ra phần diện tích đất quy hoạch đường đi do UBND xã Hàm Thắng quản lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm