Xe Thái Lan 'thừa thắng xông lên' đè bẹp đối thủ

Theo thông tin mới được Tổng cục Hải quan công bố, tuần qua từ ngày 4-5 đến ngày 10-5-2018 cả nước nhập 746 ô tô nguyên chiếc các loại, tăng hơn 600 xe so với tuần liền kề trước đó (tuần đầu tháng 5 chỉ có 103 xe).
Ô tô được đăng ký tờ khai nhập khẩu trong tuần chủ yếu xe chín chỗ ngồi trở xuống; tiếp theo là ô tô loại khác (xe chuyên dụng các loại), trong khi ô tô tải và xe trên chín chỗ ngồi không có chiếc nào được làm thủ tục nhập khẩu.
Xe ô tô từ chín chỗ ngồi trở xuống chiếm số lượng nhiều nhất trong tuần này với 554 chiếc, tổng trị giá kim ngạch đạt 13,9 triệu USD. Bình quân trị giá khai báo mỗi chiếc đạt khoảng 25.000 USD (tương đương khoảng 570 triệu đồng/chiếc), chưa tính các khoản thuế.

Xe Thái Lan 'thừa thắng xông lên' đè bẹp đối thủ ảnh 1
Xe nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam vẫn chiếm số lượng nhiều nhất.

Xét về thị trường, đáng chú ý sau tuần trước đó vắng bóng, tuần nay ô tô nguyên chiếc dưới chín chỗ ngồi có xuất xứ Thái Lan tiếp tục áp đảo thị trường với 473 xe, chiếm hơn 85% tổng số lượng nhập khẩu cả nước. Các thị trường tiếp theo là Trung Quốc 33 xe, Thụy Điển 18 xe, Đức 13 xe, còn lại có xuất xứ từ Slovakia, Nhật Bản và Anh.
Dòng xe nguyên chiếc dưới chín chỗ ngồi được đăng ký tờ khai nhập khẩu chủ yếu ở cửa khẩu khu vực cảng TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Tuần qua cũng ghi nhận sự tăng lên đáng kể của ô tô chuyên dụng nhập khẩu với 130 chiếc, tổng trị giá khai báo là 6,7 triệu USD. Ngoài ra, trong tuần cả nước nhập 62 ô tô tải với trị giá kim ngạch hơn 1 triệu USD. Trong đó có đến 61 chiếc xuất xứ từ Thái Lan và một chiếc xuất xứ Hàn Quốc.
Tuần qua, cả nước chi 43,6 triệu USD nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô các loại. Thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Đức. Riêng năm thị trường này chiếm tỉ trọng đến 84% tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Theo nguồn tin của Dân Trí, trong văn bản gửi tới Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mới đây, Hội đồng chính sách ô tô Mỹ (AAPC) bày tỏ sự quan ngại đối với một số nội dung của Nghị định 116 và cho rằng nó quá khắt khe so với mức cần thiết và chỉ Việt Nam mới đáp ứng được.

AAPC cho rằng Điều 6 của nghị định yêu cầu tất cả phương tiện nhập khẩu vào Việt Nam phải đi kèm giấy chứng nhận kiểu loại (VTA) do cơ quan hoặc tổ chức nước ngoài cấp. Quy định này theo AAPC thì chỉ có ở Việt Nam và rất khó đáp ứng ở những nước khác và chỉ nhằm mục đích hỗ trợ quá trình nhập khẩu chứ không chứng minh được việc phải tuân thủ các tiêu chuẩn bắt buộc về an toàn và khí thải trong nước. Tổ chức này cho rằng quy định trên mà phía Việt Nam đưa ra là “khắt khe hơn mức cần thiết”.

Điểm vô lý thứ hai, theo AAPC là quy định về thử nghiệm theo lô. Nghị định 116 quy định bắt buộc các nhà sản xuất ô tô nước ngoài phải thực hiện thủ nghiệm về khí thải và an toàn cho từng mẫu ô tô đại diện cho từng loại trong lô xe nhập khẩu.

Quy định buộc các nhà sản xuất phải thử nghiệm lặp đi lặp lại cùng một mẫu ô tô tại cảng, dẫn đến việc kéo dài thời gian nhập khẩu, có khi lên đến vài tháng.

Yêu cầu này đối với xe nhập khẩu, theo AAPC là kém thuận lợi hơn các điều kiện dành cho các dòng phương tiện được sản xuất tại Việt Nam…

Trước đó, Liên minh châu Âu EU cũng có văn bản gửi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng bày tỏ sự quan ngại đối với một số nội dung của Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp áp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

EU đề nghị hoãn thời thời gian thực thi với lý do Nghị định 116 có thể gây ra sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đồng thời, EU tiếp tục đề nghị phía Việt Nam thừa nhận tương đương giấy chứng nhận kiểu loại ô tô…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm