Vụ hãng phim giá bèo bọt: Báo cáo Thủ tướng trước 1-12

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ngày 2-10 đã có ý kiến chỉ đạo, giao Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra quá trình cổ phần hóa (CPH) Hãng phim truyện Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ thực hiện việc thanh tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-12-2017.

Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo sau khi nhận được kiến nghị của một số cán bộ, diễn viên Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam), đơn kiến nghị của Hội Điện ảnh Việt Nam; báo cáo của Bộ VH-TT&DL (số 2362 ngày 13-6-2017, số 3958 ngày 19-9-2017 về công tác CPH Hãng phim truyện Việt Nam...

Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCMcó bài phản ánh những lùm xùm liên quan đến việc CPH Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) tiếp tục hâm nóng dư luận.

Hai vấn đề nổi bật nhất vẫn chưa tìm được tiếng nói chung xoay quanh việc: Sử dụng khu đất vàng của hãng phim và định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam lừng lẫy một thời với giá 0 đồng. Quan trọng hơn là quá trình CPH có kẽ hở gì mà định giá hãng phim này lại quá bèo bọt và khiến nhiều người bức xúc như vậy.

Nhiều ý kiến nhận định rằng nhà đầu tư tham gia CPH hãng phim này chẳng qua là để thâu tóm những khu đất vàng chứ không thích làm phim. Bởi mặc dù làm ăn thua lỗ nhưng VFS lại đang được thuê đất của Nhà nước ở những vị trí đắc địa.

“Chưa có cuộc cổ phần hóa nào lại đẫm nước mắt và nhục nhã như cuộc cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam” - đạo diễn Quốc Tuấn khi tiếp xúc với báo chí ngày 21-9 than thở.

Bình luận về vụ việc CPH hãng phim trên, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nói: “Việc định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam với giá 0 đồng là điều không chấp nhận được. Tôi không hiểu hội đồng thẩm định nào lại đưa ra giá 0 đồng như vậy, dựa trên căn cứ nào? Một hãng phim tồn tại chừng ấy năm và mang dấu ấn văn hóa lịch sử lại có giá bèo như thế.

Tôi hy vọng sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc sẽ làm rõ vấn đề này”.

Có thực tế là nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi CPH đã có các đại gia bất động sản nhảy vào không phải để kinh doanh ngành nghề của DN được CPH đó, mà chủ yếu là thâu tóm đất xây trung tâm thương mại và cho thuê lại 50 năm. Họ sẽ ăn chênh lệch giá từ việc cho thuê lại này. Điều này không khác nào bán đứng đất vàng cho nhóm lợi ích.

Tại buổi họp báo về tình hình CPH ngày 27-9, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN Bộ Tài chính, cũng thừa nhận từ câu chuyện CPH tại VFS đã “phơi bày nhiều góc khuất trong quá trình CPH DNNN”. Từ vấn đề trong quy định tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược, xác định giá trị tài sản vô hình cho tới xử lý đất đai và xác định quyền sử dụng đất trong cách định giá DN. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm