Thuế tăng sốc gần 10 lần, cá tra Việt hết đường sang Mỹ

Mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ mới đưa ra đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam (VN) cao nhất từ trước đến nay. Đây là điều chưa từng xảy ra với cá tra VN.

Thuế tăng gần 10 lần

Nguồn tin của Pháp Luật TP.HCMtại Mỹ cho biết Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ VN (giai đoạn từ ngày 1-8-2015 đến 31-7-2016) với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, ngoại trừ Công ty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế xuất khẩu vào Mỹ 0 đồng và Công ty Cổ phần Thủy sản Biển Đông là 19 xu Mỹ/kg thì các doanh nghiệp (DN) khác phải chịu mức thuế rất cao. Trong đó có chín DN phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức từ 3,87 USD/kg trở lên.

Theo các đơn vị xuất khẩu cá tra thuộc nhóm này, mức thuế quyết định cuối cùng của Mỹ vừa công bố cao gấp 1,6 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 hồi tháng 9-2017 và cao gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 trước đó.

Đáng chú ý, mức thuế chống bán phá giá còn được Mỹ áp cao khủng khiếp đối với hai công ty xuất khẩu cá tra VN là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods lên tới 7,74 USD/kg. Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến giờ, chưa từng xảy ra trong việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho VN.

Bởi mức thuế 7,74 USD/kg cao 3,2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 trước đó và cao gấp 9,7 lần so với mức thuế lần thứ 12 trước đó mà cá tra VN xuất khẩu sang Mỹ phải chịu.

Thuế chống bán phá giá cá tra vào Mỹ tăng cao khiến xuất khẩu khó khăn. Ảnh:  Gia Tuệ

Lo người Mỹ không mua cá tra Việt

Bình luận về mức thuế cao ngất ngưởng trên, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng (Godaco), dự báo “cá tra VN sẽ hết đường xuất khẩu sang Mỹ”. Lý do là với mức thuế gần 4 USD/kg mà công ty phải chịu bằng giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ, còn với mức thuế cao gần 8 USD/kg thì cao gấp đôi giá xuất khẩu.

“Chúng tôi đã cung cấp đầy đủ dữ liệu liên quan đến các yếu tố sản xuất, số liệu bán hàng và trả lời đúng hạn các câu hỏi của phía Mỹ. Nếu họ căn cứ vào hồ sơ và số liệu do chúng tôi cung cấp để làm cơ sở tính mức thuế phá giá như những lần xem xét trước đây thì chắc chắn chúng tôi sẽ được hưởng một mức thuế suất không đáng kể. Vậy mà họ lại áp mức thuế cao đến khó tin” - tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng bức xúc.

Trước mức thuế cao như vậy, Công ty Gò Đàng sẽ ứng phó ra sao? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Đạo nói: “Do mức thuế quá cao nên công ty sẽ tính toán phương án ngừng hoạt động xuất khẩu sang Mỹ. Thay vào đó sẽ tập trung khai thác những thị trường thuận lợi hơn như châu Âu, Trung Quốc”.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex Nguyễn Văn Kịch cũng cho rằng đây là mức thuế vô lý mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng đối với cá tra VN nhằm bảo vệ ngành cá da trơn của nước này. Mức thuế như vậy buộc hàng loạt DN Việt phải tạm dừng xuất khẩu sang Mỹ, đóng cửa hoặc phải tìm đường xuất sang thị trường khác.

“Giá xuất khẩu cá tra phi lê đông lạnh của VN sang Mỹ hiện nay dao động trong khoảng 4-5 USD/kg. Trong đó, chi phí giá thành gồm cả đóng gói khoảng 3 USD/kg, cộng thêm gần 1 USD/kg chi phí vận chuyển, bảo quản… Do đó nếu gánh chịu mức thuế gần 3,9 USD/kg thì các công ty của VN phải bán với giá rất cao 7,8-8 USD/kg mới có lợi nhuận. Nhưng nếu bán với giá này thì người Mỹ sẽ không mua, bởi giá các loại cá nội địa của Mỹ chỉ hơn 4 USD/kg” - ông Kịch phân tích.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017 vượt 8 tỉ USD, trong đó cá tra đạt 1,78 tỉ USD, vượt kế hoạch. Tuy nhiên, đối với thị trường Mỹ, cá tra VN phải chịu thuế chống bán phá giá và chương trình giám sát cá da trơn khiến xuất khẩu qua thị trường này giảm sút khá lớn. 

Khách hàng nước ngoài đang tìm hiểu về cá tra Việt Nam- ảnh: Quang Huy

Cần theo đuổi vụ kiện Mỹ ra WTO

Từng nhiều năm đại diện cho DN VN trong các vụ kiện chống bán phá giá, luật sư Ngô Quang Thụy cho rằng nếu Mỹ chính thức áp dụng mức thuế như vừa công bố thì cá tra VN bị ảnh hưởng nặng nề, tạm thời hết đường vào Mỹ. Các công ty VN chỉ còn hy vọng vào phán quyết cuối cùng của Mỹ tại kỳ xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14), dự kiến tháng 3-2019 có kết quả cuối cùng. Quyết định cuối cùng tại kỳ này sẽ ảnh hưởng đến việc liệu DN xuất khẩu Việt có thể quay lại Mỹ được hay không.

Do vậy, các đơn vị đang bị ảnh hưởng của kỳ POR13 cần tập trung làm tốt hồ sơ, số liệu chứng minh cá tra Việt không bán phá giá. “Ngoài ra, các DN cần theo đuổi vụ kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó có nội dung VN kiện Mỹ về phương pháp tính trong chống bán phá giá. Nếu chiến thắng thì hy vọng thuế suất thấp hơn trong tương lai” - luật sư Thụy nói.

Phản đối kịch liệt quyết định tăng thuế của Mỹ, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết trải qua 13 kỳ xem xét hành chính trong vụ kiện chống bán phá giá thì đây là lần đầu tiên Mỹ đã có những điều chỉnh hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý. Họ cũng bỏ qua các quy định thông thường từ trước đến nay khi đưa ra quyết định.

“VASEP đề nghị Mỹ mà cụ thể là Bộ Thương mại Mỹ xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà nhà xuất khẩu VN đã cung cấp. Qua đó để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các công ty VN” - ông Hòe bày tỏ quan điểm.

Mỹ tính sai thuế chống bán phá giá tôm Việt

VASEP mới đây đã đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) xem xét lại kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá cho tôm VN trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12).

VASEP và các DN VN cho rằng đã có sự nhầm lẫn đáng kể trong tính toán biên độ khiến cho kết quả sơ bộ bị sai lệch. Nếu hệ số chuyển đổi được áp dụng chính xác, biên độ phá giá của Công ty Fimex sẽ chỉ là 1,19% thay vì mức 25,39% như đã công bố.

Trước đó, DOC đã thông báo mức thuế áp dụng cho Công ty Fimex là 25,39%. Công ty Fimex được chọn là bị đơn bắt buộc duy nhất trong đợt xem xét hành chính lần này, do đó biên độ phá giá tính cho Fimex cũng được áp dụng cho các công ty còn lại. Điều này có nghĩa mức thuế áp cho các công ty khác cũng lên tới 25,39%.           

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm