Thống đốc yêu cầu 1 chuyên viên đền bù 214 triệu phí đào tạo

Sáng nay, 16-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố thông tin về vụ một chuyên viên vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) tự ý bỏ việc và không chịu đền bù chi phí đào tạo.

Cụ thể từ cuối tháng 10-2017, ông Nguyễn Văn Thạnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ NHNN, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thống đốc NHNN, đã ký quyết định về việc đền bù chi phí đào tạo đối với ông Phạm Thái Bình, chuyên viên Vụ Chính sách tiền tệ.

Theo đó, quyết định yêu cầu ông Phạm Thái Bình phải đền bù lại toàn bộ chi phí đào tạo với số tiền hơn 214 triệu do được cử đi học nước ngoài nhưng sau khi hoàn thành khóa học đã tự ý bỏ việc.

Đồng thời, ông Bình cũng phải hoàn trả số tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế mà NHNN đã chi trả trong thời gian được cử đi học đến nay là gần 3 triệu đồng.

Cũng theo quyết định này thì trong vòng 45 ngày ông Bình phải nộp lại toàn bộ số tiền hơn 217 triệu cho cơ quan. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã năm tháng, NHNN đã hai lần liên tiếp ký các văn bản nhắc nhở nhưng ông Bình vẫn chưa phản hồi.

Những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo

Nghị định 101/2017 của Chính phủ có hiệu lực từ 21-10-2017 đã quy định rõ cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.

- Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.

- Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này.

Như vậy, Nghị định 101/2017 đã bổ sung thêm trường hợp đền bù chi phí đào tạo khi cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo mà không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.

Về chi phí đền bù và cách tính chi phí đền bù, Nghị định 101/2017 nêu rõ: Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có).

Cách tính chi phí đền bù: Đối với trường hợp tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải trả 100% chi phí đền bù.

Về điều kiện được giảm chi phí đền bù, mỗi năm công tác của cán bộ, công chức, viên chức (không tính thời gian tập sự và thời gian công tác sau khi được đào tạo) được tính giảm 1% chi phí đền bù. Trường hợp là nữ hoặc là người dân tộc thiểu số thì mỗi năm công tác được tính giảm tối đa 1,5% chi phí đền bù.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm