Sếp Nón Sơn kêu trời vì bị làm giả bán siêu lợi nhuận

“Có một vấn đề nhức nhối là trong quá trình phối hợp với lực lượng chức năng các tỉnh chống hàng giả đã phát hiện toàn bộ hàng giả đều nhập từ TP.HCM. Điều này cho thấy hàng giả đang tung hoành ngày càng mạnh mẽ hơn khi TP.HCM là nơi sản xuất rồi đem đi tiêu thụ ở các tỉnh. Bình Chánh, Tân Phú, quận 6, là địa bàn làm giả Nón Sơn nhiều nhất. Các cơ sở làm giả ngày càng tăng, đua nhau mở vì siêu lợi nhuận. Tôi đã từng mua nón bảo hiểm giả tại An Giang, Buôn Mê Thuột với giá 320.000 đồng - tương đương với nón Sơn thật - trong khi giá thành chưa tới 100.000 đồng/cái”.

Đây là ý kiến ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Nón Sơn, cho biết tại hội thảo "Tăng cường công tác phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp" do Cục Sở hữu trí tuệ, Cổng truyền thông chống hàng giả Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21-11.

Ông Tý cho biết thêm trước đây khi công ty phối hợp với cơ quan chức năng  phát hiện tối đa là 1.000 sản phẩm giả/vụ nhưng vừa rồi ở Đắc Lắk phát hiện trên 5.000 sản phẩm giả/vụ. Những năm đầu tiên các cơ sở chỉ làm giả kiểu dáng mũ đến nay làm giả 100%.

“Dù TP.HCM là nơi sản xuất chủ yếu nhưng chưa bắt được nhiều. Vì các đối tượng lách luật, rất tinh vi khi tại nơi sản xuất chỉ có các bộ phận của mũ như gáo, mút xốp… không có thành phẩm nên khi các cơ quan chức năng đến kiểm tra thì không có cơ sở khẳng định làm giả. Vì vậy, DN rất khó khăn chống hàng giả”  -ông Tý than thở.

Sếp Nón Sơn kêu trời vì bị làm giả bán siêu lợi nhuận ảnh 1
Nón Sơn giả giá thành dưới 100.000 đồng nhưng bán 320.000 đồng tương đương Nón Sơn thật

Trong khi đó, ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) TP.HCM, cho biết bất kỳ thương hiệu nào có tiếng tăm, tên tuổi thì lập tức có hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Điều này ảnh hưởng uy tín DN, giảm năng lực cạnh tranh của DN.

Theo ông Khuê, việc xác định hành vi xâm phạm quyền SHTT gặp khó khăn vì việc đánh giá của Cục SHTT dựa trên hồ sơ của DN hoặc cơ quan thực thi cung cấp nhưng thực tế có những hành vi khác có thể xảy ra...

“Muốn xác định hành vi xâm phạm quyền SHTT nhãn hiệu DN phải dựa vào dấu hiệu và cả sản phẩm dịch vụ mà người ta đăng ký có trùng hay tương tự không” - ông Khuê nhấn mạnh.

Trước ý kiến DN cho rằng khó khăn trong đi kiện khi bị xâm phạm quyền SHTT, ông Khuê nói có nhiều nguyên nhân, thứ nhất nhận thức cộng đồng về SHTT còn mới. DN chủ quan trong đăng ký xác lập quyền SHTT đến khi bị xâm phạm thì không có cơ sở để kiện cáo, khi đi đăng ký lại phải chờ thời gian để được cấp thì mới xử lý. Do vậy DN cần chủ động phối hợp cơ quan ban ngành để xác định hàng thật hàng giả nhất là hàng nhập từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước năng lực chuyên môn hạn chế, chế tài chưa mạnh, phối hợp chưa đồng bộ… là rào cản khiến DN cảm thấy e ngại hoặc cảm thấy xử lý không triệt để.   

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm