Ngân hàng ‘nói không’ với vàng miếng

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa đề nghị xin cắt giảm địa điểm kinh vàng miếng và đã được NHNN chấp nhận điều chỉnh giấy phép, cắt giảm 9 địa điểm kinh doanh vàng miếng. Các địa điểm kinh doanh vàng khác vẫn giữ nguyên theo giấy phép.

Đã không sinh lời còn tốn phí

Đại diện BIDV giải thích việc cắt giảm địa điểm kinh doanh mua bán vàng miếng chỉ là để cân đối lại hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, mảng kinh doanh vàng chỉ là hoạt động hỗ trợ thêm đối với mảng dịch vụ bán lẻ của ngân hàng mà thôi.

Tuy vậy, việc BIDV giảm bớt hoạt động kinh doanh vàng thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi ngân hàng này là một trong ba ngân hàng quốc doanh được cấp phép và đã bắt đầu triển khai hoạt động kinh doanh vàng miếng từ năm 2013. Nay “ông lớn” này thu hẹp mảng kinh doanh vàng chứng tỏ kênh đầu tư vàng không còn nhận được sự ưu ái của các nhà đầu tư và kinh doanh vàng miếng không còn hấp dẫn.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Người dân thường có xu hướng nắm giữ vàng để tích lũy và bảo toàn giá trị mỗi khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao. Song mấy năm gần đây, kinh tế trong nước tăng trưởng ổn định, lạm phát ở mức thấp khiến cho việc nắm giữ vàng không có lợi bằng nắm giữ tiền đồng. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm bằng VND hiện vẫn đang ở mức khá hấp dẫn, trong khi các ngân hàng đã không còn được huy động vàng, thậm chí người có vàng phải trả phí để ngân hàng giữ hộ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Hoàn, Giám đốc Tài chính Ngân hàng SCB, thừa nhận: Số lượng các giao dịch, mua bán vàng tại ngân hàng rất ít, kéo theo nguồn thu từ mảng này khó có thể tăng được. Trong trường hợp nếu có phát sinh giao dịch thì chủ yếu là khách hàng đến bán vàng nhiều hơn là mua vào.

“Giao dịch vàng miếng dù yếu ớt nhưng không thể vì điều đó mà chúng tôi dẹp các điểm giao dịch kinh doanh vàng. Bởi chúng tôi muốn cung cấp trọn gói nhu cầu tài chính cho khách hàng. Nhiều khi khách hàng gửi tiền, vay vốn hay có nhu cầu mua bán vàng thì mình cũng phải đáp ứng. Việc đa dạng hóa dịch vụ sẽ đem lại giá trị gia tăng cho khách hàng được tốt hơn” - ông Hoàn giải thích thêm.

Thị trường vàng miếng gần đây không xuất hiện các cơn sốt, không còn tình trạng đầu cơ làm giá. Ảnh: THÙY LINH

Chuyển vàng trong két sắt thành tiền

Chị Thảo Ly, nhà ở quận 9, TP.HCM chia sẻ: Trước đây thường gửi vàng tại các ngân hàng nhưng giờ đây không còn gửi nữa vì tốn phí. “Đó là chưa kể dù chấp nhận bị mất phí để gửi vàng vào ngân hàng nhưng muốn rút vàng rất nhiêu khê. Gửi vàng ở chi nhánh nào thì phải rút ở chi nhánh đó, đồng thời phải báo trước thời điểm nhận ít nhất là nửa ngày đến một ngày. Thế nên có những thời điểm giá vàng tăng cao, muốn rút ra để chốt lời ngay nhưng không được, đành vuột mất cơ hội” - chị Ly nói về việc chấm dứt gửi vàng tại nhà băng.

Nói thêm về vấn đề này, Vụ Quản lý ngoại hối thuộc NHNN cho hay do việc gửi vàng ở ngân hàng không sinh lời, thậm chí còn phải mất phí nên nhiều người đã mang vàng về nhà cất giữ. Bên cạnh đó, do người dân có xu hướng dịch chuyển vàng thành tiền, sau đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán… hoặc đưa vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

“Thực tế cho thấy nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, doanh số mua bán vàng miếng trong hệ thống ngân hàng duy trì ở mức thấp. Thị trường giao dịch vàng trong năm vừa qua tương đối trầm lắng, doanh số mua bán vàng miếng duy trì ở mức thấp, nhiều thời điểm giảm đến 70% so với năm 2013” - ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN, cho biết.

Mới đây, trong công văn trả lời thắc mắc của cử tri về việc tại sao người dân khi gửi vàng vào các ngân hàng thương mại lại tốn phí, NHNN cũng nêu rõ: Việc tổ chức tín dụng huy động, cho vay vàng đã gây hệ lụy cho nền kinh tế, gia tăng nhu cầu nắm giữ vàng để đầu cơ, tích trữ và gửi tại các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất. Điều này càng làm trầm trọng hơn tình trạng vàng hóa, gây bất ổn thị trường vàng, cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn này.

Trước tình hình đó, từ năm 2011 đến 2013, thực hiện chủ trương ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, NHNN đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ để chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng không được phép huy động vàng, chỉ được thực hiện hoạt động bảo quản tài sản bao gồm vàng và khách hàng phải trả phí cho hoạt động gửi vàng giữ hộ này.

Cũng theo NHNN, hiện nay thị trường vàng đang diễn biến ổn định, thị trường vàng miếng tự điều tiết. “Việc chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền là lựa chọn tối ưu để tận dụng nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Quá trình chuyển hóa dựa trên việc người dân tự quyết định chuyển từ nắm giữ vàng sang tài sản khác. Vì vậy, sẽ không gây xáo trộn tâm lý, không tạo ra hiệu ứng kích thích tâm lý đầu cơ vào vàng; đồng thời sẽ tiết kiệm được lượng ngoại tệ nhất định do không phải nhập khẩu vàng” - NHNN nêu quan điểm.

Nhu cầu vàng thấp kỷ lục trong 10 năm

Nhu cầu vàng thế giới trong quý I-2018 rơi xuống mức thấp nhất trong vòng một thập niên qua. Theo Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng giảm do vốn đầu tư vào vàng miếng giảm 15%, xuống còn 254,9 tấn.

NHNN đã chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng trên toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Thay vào đó, các ngân hàng thương mại phải áp dụng cơ chế giữ hộ hoặc cho thuê két sắt. Thế nhưng trong thời gian qua, lượng vàng gửi dưới dạng giữ hộ tại các tổ chức tín dụng hiện đã giảm rất mạnh. Theo tính toán từ cơ quan chức năng, tổng lượng vàng từng gửi tại các ngân hàng vào năm 2012 lên tới khoảng 160 tấn nhưng đến nay đã chỉ còn lại gần ba tấn gửi dưới dạng giữ hộ.

Quan sát thị trường trong một thời gian dài cũng cho thấy ngoại trừ vào ngày vía thần tài thì trong cả năm qua, giá vàng gần như không có nhiều biến động. Rất hiếm khi giá vàng bật tăng lên khỏi ngưỡng 37 triệu đồng/lượng, phần lớn đều quanh mức hơn 36 triệu đồng/lượng. Ngoài việc giá vàng không có nhiều biến động, giao dịch trên thị trường vô cùng trầm lắng.

Mỗi năm nhập 15 tấn vàng nguyên liệu

Theo NHNN, hiện nay nhu cầu vàng nguyên liệu chủ yếu chỉ dùng để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Bản thân các doanh nghiệp đều chủ động mua vàng nguyên liệu trên thị trường để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thay vì phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng nguyên liệu như giai đoạn trước đây. Trung bình mỗi năm nhu cầu vàng nguyên liệu cho sản xuất trang sức, mỹ nghệ khoảng 10-15 tấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm