Hàng Việt đã hết long đong?

Thời gian qua, Bộ Công Thương và các nhà bán lẻ đồng loạt thực hiện các chương trình kết nối để đưa hàng Việt, đặc sản các vùng miền vào hệ thống bán lẻ… và được người tiêu dùng đón nhận. Phải chăng số phận hàng Việt đã hết long đong?

Ưu tiên khu trưng bày cho hàng Việt

Một số doanh nghiệp (DN) cho biết trước đây khi đưa được hàng hóa vào siêu thị thì vị trí trưng bày là điều khiến DN không khỏi lo lắng. Vì thực tế cho thấy ở các vị trí đẹp trong siêu thị, những mặt hàng nước ngoài lúc nào cũng kín chỗ, trong khi đó hàng Việt lại nằm phía trong hoặc vị trí không đẹp. Điều này khiến sản phẩm của DN Việt càng khó cạnh tranh với các sản phẩm của DN nước ngoài.

Đồng cảm về vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: “Chúng tôi có nhiều siêu thị ở vị trí trung tâm nhưng diện tích không đủ rộng mà các đại siêu thị diện tích lớn nằm ở vùng ven. Tại một số siêu thị, dù chúng tôi có khu trưng bày sản phẩm mới nhưng có lẽ chưa thỏa mãn nhu cầu cho DN vừa và nhỏ. Vì vậy, trước Tết chúng tôi sẽ phát triển thêm những ụ trưng bày, thiết kế những khu trưng bày sản phẩm mới với chi phí hợp lý, nhất để DN chia sẻ với nhau. Như vậy DN vừa và nhỏ có cơ hội mang sản phẩm mới đến người tiêu dùng…”.

Theo ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại-TnHH MTV (Satra), thông qua các chương trình kết nối, Satra sẽ ưu tiên bày bán các đặc sản vùng miền cũng như bố trí quầy kệ riêng. Đặc biệt, để phục vụ cho khách du lịch, sắp tới khi trung tâm thương mại Satra Tax Plaza hoạt động, Satra sẽ có một không gian dành cho sản phẩm này.

Trong khi đó ông Đoàn Diệp Bình, Trưởng phòng Truyền thông hệ thống siêu thị Lotte Mart, cho biết mới đây trong chương trình kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh, Lotte Mart đã ký kết hàng chục biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm xúc tiến đưa hàng vào phân phối tại các siêu thị Lotte Mart trên toàn quốc.

Đặc sản vùng miền được giới thiệu trong các chương trình kết nối cung cầu giữa TP.HCM với các tỉnh. Ảnh: T.UYÊN

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, đánh giá: Thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, nhiều sản phẩm đặc sản của các vùng miền đã được đưa vào các hệ thống phân phối lớn tại TP.HCM. Bên cạnh đó còn có một số mặt hàng được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như vải thiều, bưởi da xanh, cá ba sa phi lê… xuất sang Singapore. Một số mặt hàng tiêu dùng và đặc sản được thị trường Hàn Quốc đón nhận.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết Bộ Công Thương đóng vai trò kết nối để hàng hóa của DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nông dân có thể tham gia trực tiếp vào hệ thống siêu thị. Hiện 90% hàng hóa sản xuất trong nước đang được tiêu thụ tại hơn 9.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường.

Vẫn còn nhiều rào cản

Tuy nhiên, bà Nga cũng nhìn thấy được rào cản ở đây là đặc sản chỉ có ở những vùng nhất định mới sản xuất được nên sản lượng còn hạn chế. Bên cạnh đó, phần lớn những hộ sản xuất này có quy mô nhỏ lẻ nên việc bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế, nhận thức về xây dựng thương hiệu và vốn còn gặp nhiều khó khăn.

Không lặp lại về những hạn chế của DN vừa và nhỏ về chất lượng, mẫu mã bao bì, năng lực…, ông Bình chỉ ra nguyên nhân hàng Việt khó trụ vững trong siêu thị đó là thiếu các chiến lược đường dài về quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Thiếu nguồn lực để có thể chạy các chương trình dài hơi cùng siêu thị…

Cùng nhìn nhận trên, bà Phạm Thị Kim Tuyền, đại diện Saigon Co.op, cho rằng: Đặc sản vùng miền, đối với hàng mùa vụ các DN nên phối hợp với địa phương xem dung lượng thị trường để sản xuất phù hợp với nhu cầu tiêu dùng. Hiện nay chưa có quy hoạch tổng thể mà các sản phẩm này được trồng ở rất nhiều nơi dẫn đến không còn tính đặc sản, mất chất.

Bà Nga thông tin thêm hiện nay Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, chính quyền đang hỗ trợ cho nhóm hàng hóa mang thương hiệu Việt do người Việt làm chủ sở hữu, đầu tư sản xuất thương hiệu đó. Ngoài ra, các cơ quan này cũng hỗ trợ thúc đẩy việc sản xuất, tiêu thu,̣ kinh doanh hàng đặc sản để người sản xuất ở những vùng khó khăn như Tây Bắc có cơ hội chen chân vào hệ thống phân phối lớn.

Quyền lực nằm trong tay người tiêu dùng

Liệu hàng ngoại có theo chân nhà bán lẻ ngoại khi họ mua lại hệ thống phân phối ở Việt Nam không?

Trả lời câu hỏi này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho rằng việc này phụ thuộc vào người tiêu dùng có ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam ở hệ thống siêu thị nước ngoài không. DN FDI hay Việt Nam khi kinh doanh muốn đạt được lợi nhuận tối đa, nếu hàng hóa nào bán chạy thì họ sẽ nhập vào bán nhiều hơn. Do đó, quyền lực là nằm trong tay người tiêu dùng. Thứ hai là quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương vận động các siêu thị nhập hàng hóa nội địa, đặc biệt là thương hiệu Việt cũng như hàng đặc sản.

Bà cũng thông tin thêm Bộ Công Thương đã đàm phán, thống nhất với Tập đoàn Aeon (Nhật Bản). Đến năm 2020, mỗi năm hệ thống của Tập đoàn Aeon sẽ tiêu thụ khoảng 500 triệu USD hàng hóa Việt Nam và đến năm 2025 sẽ tiêu thụ khoảng 1 tỉ USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm