Hàng Việt bị kiện nhiều nhất ở Mỹ: Vì sao?

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị rơi vào tầm ngắm nhiều nhất trong các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp tại thị trường Mỹ. Đây là thực tế đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hàng loạt mặt hàng bị kiện

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy tính đến giữa tháng 10 vừa qua, có 141 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, Mỹ hiện là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất đối với các sản phẩm của Việt Nam lên tới 27 vụ, chiếm khoảng 20%.

Đáng lo ngại là các mặt hàng chịu biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường Mỹ ngày càng mở rộng từ dệt may, da giày, các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đến thủy sản, nông sản... Trong đó riêng tôm, cá tra Việt gần như năm nào cũng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá rất nặng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết từ giai đoạn 2003-2004, khi các mặt hàng thủy sản bắt đầu xuất khẩu vào Mỹ với doanh số 1-2 tỉ USD, doanh nghiệp (DN) trong ngành đã liên tục đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá. Gần đây nhất, các chính sách bảo hộ ngày càng thắt chặt hơn và nguy cơ công ty xuất khẩu thủy sản dính các vụ kiện phòng vệ thương mại là rất lớn.

Theo ông Hòe, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tôm cá Việt Nam sản xuất quy mô lớn, chi phí thấp nên giá xuất khẩu cạnh tranh. Khi giá bán cạnh tranh với ngành nuôi thủy sản tại Mỹ, ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất thủy sản nội địa nên bị kiện, điều tra áp thuế cao. Dù phía Việt Nam đã nỗ lực chứng minh, kiện ra WTO nhưng vẫn không tránh khỏi bị trừng phạt, áp thuế cao vì chính sách bảo hộ hàng nội địa của Mỹ. Có thời điểm Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên tôm Việt Nam tăng gấp 25 lần so với mức cũ; hoặc áp thuế 7,74 USD/kg lên cá tra nhập khẩu từ Việt Nam, cao gấp 9,7 lần so với mức thuế trước đó.

Thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nằm trong nhóm bị Mỹ kiện chống bán phá giá nhiều nhất. Ảnh: QH

Mặt hàng dệt may, da giày, gỗ… xuất khẩu của Việt Nam cũng đang rơi vào tầm ngắm của Mỹ do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Phát biểu tại một cuộc hội thảo mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định có thể để “né” bị ảnh hưởng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đơn hàng và đầu tư ngành gỗ có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong trường hợp này, chắc chắn Việt Nam là một trong những nước sẽ được hưởng lợi.

Tuy nhiên, ông Khánh lưu ý: Nếu sự dịch chuyển đơn hàng và sự dịch chuyển đầu tư ngành gỗ từ Trung Quốc sang nước ta chỉ diễn ra với ý đồ lợi dụng để lẩn tránh mức thuế nhập khẩu của Mỹ, tận dụng lợi thế “Made in Việt Nam” thì sớm hay muộn Việt Nam cũng bị vạ lây.

“Mỹ sẽ không ngần ngại áp thuế lên toàn bộ đồ gỗ Việt Nam. Trên thực tế hải quan Mỹ đã khởi xướng điều tra vụ việc lẩn tránh như vậy đối với DN xuất khẩu ván dán Việt Nam” - thứ trưởng Bộ Công Thương cảnh báo.

Đánh thuế 250%

Hiện nay có mặt hàng thép Việt bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên tới gần 200% và thuế chống trợ cấp hơn 256%. “Mỹ đánh thuế cao với thép Việt Nam vì cho rằng các sản phẩm thép của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc, lẩn tránh thuế để sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Có thể nói thép Việt Nam đang bị oan, bị vạ lây từ thép Trung Quốc” - đại diện một công ty thép phân trần. 

Nói không với tiếp tay cho gian lận

Các chuyên gia cảnh báo nếu DN, hiệp hội và cả cơ quan quản lý không có giải pháp phòng tránh thì nguy cơ hàng Việt ngày càng bị kiện nhiều hơn.

Luật sư Ngô Quang Thụy, đại diện cho nhiều công ty của Việt Nam trong các vụ kiện phòng vệ thương mại tại Mỹ, cho rằng trong quá trình thâm nhập thị trường Mỹ, các DN cần tìm hiểu kỹ và có mối quan hệ tốt với đối tác, nhà nhập khẩu để sớm có thông tin. Bởi nếu bị kiện và áp dụng mức thuế cao sẽ thiệt hại rất lớn không chỉ cho DN xuất khẩu và cả ngành hàng bị kiện.

“Trong trường hợp nếu bị kiện, việc đầu tiên cần phải hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ. Đồng thời liên kết, phối hợp với hiệp hội, DN trong ngành và cả cơ quan quản lý là Bộ Công Thương để tìm giải pháp nhằm vượt rào cản, giảm thiểu thiệt hại” - luật sư Thụy chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Đạo đánh giá dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là sản phẩm thô. Còn các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao hay các sản phẩm tiêu dùng cao cấp chiếm tỉ trọng không đáng kể. Do đó, nếu các DN tăng sản phẩm giá trị gia tăng chế biến sâu không chỉ tăng giá bán, tăng thương hiệu cho hàng Việt Nam xuất khẩu mà tránh các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Kinh nghiệm từ DN bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều cho thấy việc đa dạng hóa thị trường cũng rất quan trọng. Khi xảy ra vụ kiện, DN chủ động thuê luật sư theo đuổi vụ kiện. Hợp tác chặt chẽ với cơ quan trong nước để khi có chuyện xảy ra thì nhận được sự tư vấn kịp thời” - ông Đạo khuyến nghị.

Dễ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay sẽ tổ chức đoàn kiểm tra để xem có tình trạng xuất xứ giả mạo hàng Việt Nam hay không (hàng Trung Quốc núp bóng nhãn mác hàng Việt Nam để lẩn tránh mức thuế nhập khẩu của Mỹ - PV), nếu có giả mạo sẽ xử lý nghiêm. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với hải quan, cơ quan chức năng chống lại hành vi lẩn tránh này. Bởi điều này ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt Nam.

“Về phía DN, chúng tôi kêu gọi không tiếp tay cho hành vi giả mạo này. Đồng thời tăng cường quan sát thị trường để cung cấp cho cơ quan quản lý khi phát hiện có bất thường xảy ra. Nếu không, thay vì nắm bắt được cơ hội, chúng ta lại là nạn nhân bất đắc dĩ của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung” - ông Khánh nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm