Cớ gì can thiệp cả giờ mở, đóng cửa của siêu thị?

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối (các cửa hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM), trung tâm mua sắm…).

Dự thảo này đưa ra nhiều quy định bị các nhà bán lẻ, hiệp hội đánh giá là rất “lạ đời”, vẽ ra rất nhiều giấy phép con cản trở người kinh doanh.

Vô lý, phi thực tế

Dự thảo của Bộ Công Thương quy định siêu thị phải có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến 10.000 m2. Siêu thị, TTTM phải mở tất cả ngày trong tuần kể cả ngày lễ, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ…

Đại diện một siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài nhận xét quy định này là “can thiệp quá sâu đến quyền tự chủ kinh doanh của nhà bán lẻ”. Vì nhà bán lẻ tự biết làm thế nào để cân đối hiệu quả kinh doanh của họ nên Nhà nước không cần phải quy định cụ thể về giờ giấc mở cửa, đóng cửa làm gì. Trong cơ chế thị trường, Nhà nước không thể nghĩ thay, làm thay nhà kinh doanh.

Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng quy định siêu thị phải có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2 là không thực tế và sẽ giới hạn quy mô hoạt động của nhà bán lẻ.

“Theo chúng tôi, không nên quy định trần diện tích cho siêu thị. Trường hợp các siêu thị hiện tại lớn hơn 10.000 m2 mà không đủ điều kiện được xếp vào TTTM thì sẽ được phân loại vào loại hình nào?” - bà Loan đặt vấn đề.

Quy định siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ… là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: TÚ UYÊN

Phản biện khá gắt về điều kiện kinh doanh trên, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét quy định buộc siêu thị, TTTM phải mở cửa tất cả ngày trong tuần, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ… là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp cũng như trái ngược với thông lệ quốc tế.

“Việt Nam thuộc bối cảnh khan hiếm hàng hóa tiêu dùng cũng không diễn ra đến mức bắt buộc phải duy trì các TTTM, siêu thị tất cả các ngày. Các địa điểm này không phải chỉ toàn bán sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, do vậy căn cứ nào để bắt buộc các siêu thị này duy trì hoạt động tất cả các ngày trong năm?” - đại diện VCCI đặt câu hỏi.

Chỉ được khuyến mãi ba lần, siêu thị lo “chết”

Dự thảo nghị định của Bộ Công Thương nêu rõ: Mỗi năm, các siêu thị, TTTM chỉ được tổ chức ba đợt bán hàng giảm giá. Các đợt giảm giá phải được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền. Mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày…

Quy định này cũng bị các nhà kinh doanh đánh giá là hết sức phi lý. Đại diện một siêu thị tại TP.HCM phát biểu: “Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay các siêu thị đều tổ chức ít nhất 20 chương trình khuyến mãi/năm. Vì khi sức mua thị trường yếu, các nhà bán lẻ nội hay ngoại đều phải tăng khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng và điều này là có lợi cho khách hàng, vậy tại sao lại chỉ cho phép khuyến mãi ba lần/năm? Nếu siết theo hướng dự thảo của Bộ Công Thương thì nhà bán lẻ chắc chắn sẽ… chết”.

VCCI cũng nhận xét các quy định giới hạn về khuyến mãi, giảm giá tại siêu thị, TTTM là sự can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý.

“Nếu lo ngại các đợt giảm giá tại siêu thị, TTTM sẽ ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh thì cần phải kiểm soát theo pháp luật cạnh tranh chứ không phải kiểm soát riêng theo cách này” - bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nêu quan điểm.

Buộc giao hàng tận nhà, giám đốc người Việt

Trong dự thảo nghị định, Bộ Công Thương đưa ra quy định siêu thị phải có các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua Internet, qua bưu điện, điện thoại.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, đề nghị bỏ quy định này. Lý do bắt buộc như vậy là không thực tế, không nhất thiết siêu thị nào cũng phải có mà tùy thuộc vào cách kinh doanh của từng siêu thị.

Liên quan đến quản lý và điều hành siêu thị, TTTM, dự thảo nghị định nêu rõ: Phải có ít nhất một giám đốc hoặc thành viên hội đồng quản trị là người Việt. Đồng thời, nhân viên ở tất cả các cấp, bao gồm cấp quản lý phải có thành phần là người Việt không dưới 50%.

Bình luận về nội dung này, bà Đinh Thị Mỹ Loan khuyến nghị cơ quan soạn thảo nên bỏ hai quy định trên và cần kiểm tra tính thống nhất với Nghị định 11/2016 hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam để đảm bảo tỉ lệ phù hợp với các cam kết quốc tế.

Bản chất là đẻ thêm giấy phép con

Theo VCCI, bản chất một số nội dung trong dự thảo nghị định mà Bộ Công Thương đưa ra là đang thiết kế thêm các điều kiện kinh doanh mới. Thậm chí một số quy định không rõ mục tiêu quản lý nhà nước và có nguy cơ biến tướng thành các giấy phép con bất hợp lý.

“Điều này sẽ đi ngược lại với những hành động mà phía Bộ Công Thương đã nỗ lực trong thời gian qua là cắt giảm hàng loạt thủ tục phiền hà, gây khó khăn cho môi trường đầu tư, kinh doanh” - VCCI nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại diện Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương giải thích: Mục tiêu Bộ đưa ra là khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, đồng thời đảm bảo tính kế thừa của các quy định cũ. Các quy định trong dự thảo nghị định cũng giúp bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa lưu thông tại các kênh phân phối này có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Tuy vậy, đại diện Bộ Công Thương cũng hoan nghênh mọi ý kiến góp ý đối với đề nghị xây dựng nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối được hoàn thiện. “Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo nghị định theo đúng trình tự và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” - đại diện Bộ Công Thương cam kết.

Chỉ là ngẫu hứng?

Không rõ cơ quan soạn thảo dự thảo nghị định dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn hay chỉ là đưa ra những quy định mới mang tính ngẫu hứng. Ví dụ, quy định chỉ được khuyến mãi ba lần/năm là thiếu thực tiễn. Bởi việc khuyến mãi là việc của nhà kinh doanh, tùy vào tính toán, hiệu quả kinh doanh và họ được làm điều mà pháp luật không cấm.

Bên cạnh đó, nếu quy định như vậy, cơ quan nhà nước có giám sát được không? Hay chỉ làm khó nhà kinh doanh và làm phát sinh tiêu cực khi nó triển khai vào cuộc sống.

TS ĐÀO XUÂN KHƯƠNGchuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm