Thực hư ưu đãi 1 tỉ USD tiền điện dự án luyện kim?

Theo đó, Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và được miễn thuế bốn năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo và áp dụng mức thuế suất 10% trong 30 năm. Dự án này được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án…

Đặc biệt, dự án này được áp dụng giá điện là 1.052 đồng (tương đương 5 cent)/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) trong 10 năm đầu kể từ thời điểm nhà máy điện phân nhôm đưa vào hoạt động.

Sau giai đoạn trên, giá điện sẽ áp dụng theo nguyên tắc giá thị trường có tính đến đặc thù của công nghiệp điện phân nhôm, đảm bảo dự án luyện nhôm thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý.

Từ những thông tin trên, nhiều ý kiến cho rằng Dự án điện phân nhôm Đắk Nông của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân được ưu đãi “khủng” về cơ chế chính sách, trong đó có việc được hưởng giá điện thấp (ngành điện phải bù lỗ cho dự án đến 1 tỉ USD trong 10 năm (bình quân khoảng 100 triệu USD/năm). 

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí về thông tin này, ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, người từng được phân công trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đối với dự án này, cho biết không có chuyện ngành điện bù lỗ 1 tỉ USD. Chính phủ đã chỉ đạo việc xác định giá điện cho dự án này phải đảm bảo nguyên tắc dự án và nền kinh tế đều phải có hiệu quả và giá bán điện cho dự án là giá thành điện tại cấp điện áp 220 kV.

Thực hư ưu đãi 1 tỉ USD tiền điện dự án luyện kim? ảnh 1
Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông thuộc Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tính toán, đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giá điện 1.052 đồng/kWh cho dự án với điều kiện chủ đầu tư phải tự đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành trạm biến áp 220 kV; giá điện nêu trên chỉ áp dụng cho 10 năm đầu kể từ khi đi vào sản xuất để tạo điều kiện cho dự án thu hồi được vốn đầu tư và có hiệu quả ở mức hợp lý. Sau giai đoạn 10 năm, giá điện cho dự án sẽ áp dụng theo giá thị trường.

“Mức giá điện này thực tế là cao hơn nhiều so với giá điện hiện đang áp dụng đối với các nhà máy điện phân nhôm trên thế giới hiện đang ở mức từ 2,8 đến 4 cent/kWh. Con số 1 tỉ USD bù giá điện cho dự án được nhắc tới gần đây là do nhầm lẫn khi người ta so sánh giá điện 5 cent/kWh với giá bán lẻ điện cấp điện áp 110 kV trở lên quy định trong biểu giá điện. Trong khi giá thành điện ở cấp điện áp 220 kV cấp cho dự án thấp hơn nhiều” - ông Quang nói.

Theo ông Quang, căn cứ kết quả kiểm toán của ngành điện (tính đến thời điểm tính toán và đề xuất giá điện cho dự án), giá điện cấp điện áp 220 kV với điều kiện chủ đầu tư tự đầu tư trạm biến áp 220 kV, thực tế chỉ bằng 72% giá bán lẻ điện bình quân. Theo biểu giá tại thời điểm đề xuất, giá bán lẻ điện bình quân EVN áp dụng là 1.622,01 đồng/kWh (tương đương 7,2 cent/kWh).

Như vậy, ở thời điểm tính toán, so với mức giá 5 cent/kWh mà dự án được hưởng thì mức hỗ trợ là 0,19 cent/kWh chứ không phải được hỗ trợ 2,2 cent/kWh (để ra con số 1 tỉ USD). “Cũng cần phải hiểu rằng việc hỗ trợ giá điện cho dự án là chính sách của Chính phủ nhằm một mục tiêu cụ thể, ở trường hợp này là tạo dựng ngành công nghiệp nhôm mà Việt Nam chưa hề có tới nay.

“Điều này cũng tương tự như giá điện ưu đãi cho bơm tưới - tiêu thủy lợi, cấp điện cho hải đảo... và Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung nhóm khách hàng điện phân nhôm này vào cơ cấu biểu giá điện và cho phép ngành điện thực hiện cơ chế bù chéo nhằm mục đích để Nhà nước không phải bỏ vốn ngân sách ra hỗ trợ và ngành điện cũng không phải bù lỗ” - ông Quang khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm