Bài 2 - Hệ thống truyền tải điện 500kV:

Niềm tin, ý chí, sáng tạo và cuộc chạy đua thời gian

Ngày 5-4-1992 tại vị trí móng số 54, 852, 2702 và ngày 21-1-1993 tại Trạm biến áp Phú Lâm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình với mục tiêu khi dự án đưa vào vận hành sẽ truyền tải khoảng 2 tỉ kWh/năm đưa điện từ miền Bắc vào TP.HCM.

Trước đó, công tác “hậu cần” cho việc xây đựng Đường dây 500kV Bắc Nam đã hoàn thành với sự nỗ lực cao độ.

Vừa thiết kế, vừa thi công

Với phương châm “vừa thiết kế, vừa thi công”, một cuộc chạy đua với thời gian diễn ra quyết liệt. Công trình được khởi công khi chưa được thiết kế chi tiết, đầy đủ. Đội ngũ cán bộ công nhân viên thực hiện dự án vừa phải nghiên cứu, tìm hiểu thiết kế, vừa thi công. Với quyết tâm công trình phải hoàn thành trong 2 năm, trên khắp tuyến đường dây từ Hòa Bình dọc theo miền Trung vào miền Nam, đâu đâu cũng là công trường. Cán bộ khảo sát, giám sát, thi công được phân thành hàng trăm tổ, rải đều trên toàn tuyến để kịp thời phát hiện và hiệu chỉnh những điểm chưa hợp lý trong thiết kế.

Công trình xây dựng Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Trung - Nam phải trải qua nhiều bước gian nan, từ chủ trương, quy hoạch tổng thể, đến công việc khảo sát, thi công…

Để đẩy nhanh tiến độ xây lắp, Bộ Năng lượng đã chỉ đạo chia việc thi công đường dây thành 4 cung đoạn. Cung đoạn từ Hòa Bình đến Hà Tĩnh giao cho Công ty Xây lắp Điện 1 thi công; từ Hà Tĩnh đến Kon Tum giao cho Công ty xây lắp Điện 3 thi công; từ Kon Tum đến Đắk Lắk giao cho Công ty Xây lắp Điện 4 và từ Đắk Lắk đến Phú Lâm (TP.HCM) do Công ty Xây lắp Điện 2 đảm nhận. Trên từng cung đoạn lại được chia thành nhiều đoạn nhỏ. Đây là một giải pháp khoa học để rút ngắn thời gian xây lắp đường dây, một nhiệm vụ nặng nề nhất của xây dựng đường dây.

Quá trình xây dựng Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Trung - Nam trải qua nhiều bước gian nan, từ chủ trương, quy hoạch tổng thể, luận chứng kinh tế kỹ thuật, đến công việc khảo sát, thăm dò, thiết kế và thi công. Mọi công việc thực hiện dựa trên kinh nghiệm xây dựng đường dây, tất cả đều “vừa học vừa làm”. Việc giải phóng mặt bằng không phức tạp như bây giờ nhưng tiến độ không làm nhanh được do phải làm thủ công.

Bàn tay ta làm nên tất cả!

Nhưng “bàn tay ta làm nên tất cả”. Trong thi công có nhiều vị trí đúc móng trên đỉnh đèo Hải Vân, đồi núi Đại Lộc, Khâm Đức, đèo Lò Xo... máy móc không thể lên được phải huy động nhân dân các địa phương, bà con các dân tộc gùi từng bao xi măng, từng bao cát, từng thùng nước lên đỉnh núi cheo leo để đúc móng. Mỗi người chỉ gùi được 15 kg cho mỗi chuyến. Thế nhưng góp gió thành bão, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đóng điện hòa hệ thống điện miền Nam ngày 27-5-1994 (Ảnh: CÔNG BÌNH)

Hình ảnh hàng chục công nhân phải dùng tời cối xay quay hàng trăm vòng mới đào móng sâu được mấy chục mét; hình ảnh những công nhân phải cầm bó mía đi trước để dụ cho voi đi theo để kéo dựng cột... có lẽ sẽ là những hình ảnh không bao giờ quên trong tâm trí của những người đã từng tham gia xây dựng đường dây.

Hay như cung đoạn đèo Lò Xo nổi tiếng hiểm trở, điều kiện khắc nghiệt lắm muỗi, nhiều vắt, sốt rét rừng là nỗi ám ảnh với lực lượng thi công. Không những thế, ở đây còn rất nhiều hố ngầm nguy hiểm, “đi dễ khó về”. Đường đi lên đèo chỉ có hai vệt bánh xe với rêu mọc dày, trơn tuột, chỉ cần lệch bánh xe là “nằm gọn dưới vực”. Rồi có những vị trí cột nằm xa xôi hiểm trở, phải mất nửa ngày đường mới đến nơi. Có nơi lau lách ken dày thành một đường hầm nhỏ, ô tô chỉ đi với tốc độ “rùa bò”. Trời nóng như thiêu như đốt nhưng đường vẫn trơn vì không có nắng, chỉ có sương và rêu trơn trượt, chỉ đi thôi đã khó chứ chưa nói gì đến việc dựng cột, kéo dây. Còn có những nơi địa chất yếu, đang thi công thì gặp mưa bị xói lở, các đơn vị phải đóng cọc, dùng cáp chằng lên đỉnh đồi để giữ cột đứng yên rồi mới khoan cọc nhồi làm sâu chân móng.

Kỳ tích của thế kỷ XX

Lúc 19 giờ 6 phút ngày 27-5-1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500kV, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào thăm trạm 500kV Đà Nẵng sau khi hòa lưới điện thành công (Ảnh: CÔNG BÌNH)

Công trình xây dựng Đường dây 500kV là kỳ tích của thế kỷ XX. Đây không phải chỉ là lời nói cho vui của những người trong ngành, mà đã được khẳng định từ thực tế quá trình thi công đến hiệu quả của nó. Với mốc thời gian 2 năm vừa thiết kế vừa thi công và đưa vào vận hành, đó đã là một kỳ tích của đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật xây dựng đường dây. Đó là sự quyết tâm của tập thể các lực lượng tham gia dự án, chủ lực là các Công ty Xây lắp điện 1, 2, 3, 4...; sự hỗ trợ rất lớn của các lực lượng quân đội, dân quân, doanh nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ rất lớn của nhân dân địa phương nơi có đường dây đi qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm