Nhà đầu tư ngoại rót 32,5 tỉ USD vào chứng khoán Việt

Theo báo cáo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố, chỉ số VN-Index đã vượt mốc 900 điểm, tăng 41% kể từ đầu năm 2017 và xếp thứ ba về mức tăng trưởng trong các chỉ số chứng khoán trên thế giới từ đầu năm 2017. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cuối tháng 11-2017 tăng lên xấp xỉ 66% GDP.

“Nguyên nhân là do tác động tâm lý tích cực từ Hội nghị cấp cao APEC, việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn, cùng với việc niêm yết các cổ phiếu vốn hóa lớn đã thu hút mạnh dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài và trong nước vào thị trường cổ phiếu” - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định.

Cũng theo cơ quan này, giá trị mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán trong tháng 11 ước đạt 343 triệu USD. Trong đó mua ròng 405 triệu USD cổ phiếu, bán ròng 62 triệu USD.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2017, giá trị mua ròng của khối ngoại ước đạt 1 tỉ 770 triệu USD, tăng gấp sáu lần so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, 750 triệu USD trái phiếu, 1 tỉ 20 triệu USD cổ phiếu.

Giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh do tăng mua ròng mạnh các cổ phiếu lớn. Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 32,5 tỉ USD, tăng xấp xỉ 59% so với cuối năm 2016. Tỉ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,7% và trên thị trường trái phiếu ước đạt 5,3%.

“Khả năng hấp thụ vốn gián tiếp của thị trường vốn đã được cải thiện mạnh nhờ quy mô thị trường gia tăng, niềm tin của nhà đầu tư vào quyết tâm cải cách của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và đẩy mạnh niêm yết các doanh nghiệp lớn để tăng thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong bối cảnh thị trường vốn đang diễn biến thuận lợi” - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tỉ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp khoảng 8,1%. Tỉ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng khoảng 15,5% (năm 2016 từ 17,1%).

Trong đó, cho vay vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,8% (năm 2016 là 7,0%), vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,7% (năm 2016 là 10,1%).

Tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng cao. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỉ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%), cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm