Kiến nghị nhập Luật Đầu tư vào Luật Doanh nghiệp

Tương tự như hội thảo tổ chức tại TP.HCM vào tuần trước, nhiều ý kiến cũng kiến nghị bãi bỏ Luật Đầu tư.

Luật sư Phạm Chí Công, Công ty Luật Khai Phong, cho rằng ngoài bốn tiêu chí về minh bạch, thống nhất, hợp lý và khả thi, riêng Luật Đầu tư cần phải rà soát thêm tính cần thiết. “Chúng tôi tham vấn xây dựng lại báo cáo rà soát theo hướng kiến nghị bãi bỏ Luật Đầu tư, chuyển một số điều sang Luật Doanh nghiệp sửa đổi và xây dựng mới Luật Khuyến khích và bảo hộ đầu tư” - luật sư Công nói.

Theo lý giải của ông Công, phạm vi điều chỉnh hoạt động đầu tư và kinh doanh của Luật Đầu tư trùng với Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành. Vì thực tế hoạt động đầu tư và kinh doanh không có sự khác biệt về bản chất, tại sao lại tách hẳn thành hai trình tự thủ tục rối rắm ở hai luật dẫn đến việc ra đời hai loại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và chứng nhận đầu tư đồng thời là chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ra, luật này còn tạo ra rào cản cho nhà đầu tư và không đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước về đầu tư...

Đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cũng cho rằng ngay khi vừa ban hành, Luật Đầu tư đã có nhiều bất cập. Cụ thể, luật này điều chỉnh quá nhiều hành vi khác nhau như đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, đầu tư gián tiếp, đầu tư trực tiếp, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, đầu tư ra nước ngoài. “Năm 2010, tôi có đi rất nhiều địa phương có nhiều bất cập không thể giải quyết nổi. Từ đăng ký giữa đăng ký đầu tư với đăng ký kinh doanh cho đến chuyển nhượng vốn, giải thể doanh nghiệp… các quy định trong Luật Đầu tư không đem lại hướng giải quyết cho các nhà quản lý đầu tư ở các tỉnh, các khu công nghiệp. Hơn nữa, thực tế hiện nay, hướng đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài cần tích hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội theo hướng cấu trúc lại nền kinh tế, nâng cấp đầu tư nước ngoài…” - ông Mại nói.

Theo đề xuất của ông Mại, hoạt động đầu tư được xem như là hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp bắt đầu bằng một dự án đầu tư. Và như vậy có thể xem như một chương riêng về đầu tư trong nước và một chương đầu tư nước ngoài của Luật Doanh nghiệp.

T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm