Du khách tới Bình Thuận nhiều khi... chỉ để cho biết

Ngày 21-9, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bình Thuận tổ chức hội thảo “Đánh giá, bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội văn hoá tiêu biểu của tỉnh phát triển du lịch”. 

Đánh giá về tình hình phát triển du lịch của tỉnh, bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận nhìn nhận, thời gian qua tỉnh có chú ý nghiên cứu, phục dựng phát huy giá trị, giới thiệu và quảng bá rộng rãi nhằm phát triển hoạt động văn hóa, góp phần thu hút đông đảo du khách đến Bình Thuận.

Cụ thể, lễ hội Nghinh Ông tại Quan Đế miếu ở Phan Thiết hằng năm thu hút trên 40.000 lượt khách, được sách kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận là lễ hội Nghinh Ông lớn nhất nước. Lễ hội Katê tại nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư năm 2016 đón 187.000 lượt khách; lễ hội Cầu ngư tại Vạn Thủy Tú ở Phan Thiết đón trên 20.000 lượt khách; Lễ hội dinh Thầy Thím ở thị xã Lagi năm 2016 đã thu hút hơn 200.000 lượt khách; lễ hội Ramưwan của người Chăm theo đạo Bàni; Lễ hội trung thu ở thành phố Phan Thiết... “Tuy nhiên, các lễ hội còn mang tính tự phát, đơn điệu và chưa có sự gắn kết thành những tuyến, tour du lịch để thu hút nhiều khách tham quan đến khám phá và chiêm bái”, bà Lan Ngọc nhận định.

Ông Nguyễn Văn Mỹ đang góp ý Bình Thuận phát triển lễ hội mang dấu ấn đậm nét trong lòng du khách

Có kinh nghiệm nhiều năm tổ chức tour cho khách du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt rất ấn tượng với “Lễ hội trung thu lớn nhất Việt Nam” của Bình Thuận. Tuy nhiên, theo ông, sau nhiều năm tổ chức thì lễ hội có dấu hiệu chững lại vì du khách chỉ đi một lần cho biết, ngắm là chính chứ chưa thực sự tham gia vào lễ hội.

Cũng theo ông Mỹ, Bình Thuận nên có kế hoạch cụ thể và thông báo tối thiểu sáu tháng cho các công ty lữ hành để quảng bá và đưa vào chương trình tour. Nên có nhiều hoạt động thu hút khách tham gia vào hoạt động như hướng dẫn du khách làm lồng đèn ở các resort, khách sạn, cho khách tham gia diễu hành, rước đèn, phá cỗ ở các trường, có giải thưởng riêng, trưng bày lồng đèn trong thời gian lâu hơn...

Đồng tình với ý kiến của ông Mỹ, bà Nguyễn Các Ngọc, Phụ trách truyền thông Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM nhìn nhận, các lễ hội ở Bình Thuận có dấu ấn riêng nhưng chưa thực sự thu hút du khách, còn gò bó. Bà Ngọc cho rằng cần phát triển mạnh lễ hội mang dấu ấn riêng của tỉnh như lễ hội Cầu ngư và trung thu nhằm thu hút khách quốc tế và chú trọng xây dựng không gian chung của cả thành phố và kêu gọi mọi người cùng tham gia. Ngoài ra, cách giới thiệu thông tin du lịch cũng nên đổi mới sao cho hấp dẫn, du khách thấy lễ hội là được tổ chức cho họ chứ không phải chào mừng các sự kiện trọng đại của tỉnh.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến góp ý Bình Thuận nên hoàn thiện đường sá, cơ sở lưu trú, giá cả dịch vụ sao cho du khách hài lòng khi đến các địa điểm du lịch. Bên cạnh đó, cần tận dụng mạng xã hội, các máy quay hiện đại như flycam... để tuyên truyền hoạt động du lịch sao cho ấn tượng hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm