Du lịch đông khách nhờ 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh'

Ngày 21-1, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Sở Du lịch Bình Định, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức tổng kết chương trình hợp tác song phương phát triển du lịch giai đoạn 2013- 2018.  

Bốn địa phương miền Trung còn yếu nhiều mặt

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết, các địa phương như Bình Định, Ninh Thuận, Phú Yên còn yếu nhiều khâu như quảng bá, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, thiếu thông tin kết nối trong hoạt động du lịch; hạn chế về đường hàng không. Mặt khác, điểm yếu nhất hiện nay các tỉnh khu vực miền Trung cũng như Tây nguyên là xây dựng điểm đến.

Chẳng hạn Phú Yên có Ghềnh Đá Đĩa, có nhà thờ Mằng Lăng nhưng bốn năm nay không có gì thay đổi. Quy Nhơn có Eo gió cũng rất hoang sơ nhưng phải có sự đầu tư.

Ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên nhìn nhận một trong những điểm nghẽn của du lịch Phú Yên là cơ sở hạ tầng giao thông. Giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không đều có nhưng còn khó khăn. Nhiều hãng lữ hành muốn đưa khách về Phú Yên nhưng với lượng khách lớn là không đủ, giá cao. Các cơ sở lưu trú 3-4 sao nằm ven biển còn ít. Sở nhìn thấy điều này từ ba bốn năm nay rồi nhưng do các nhà đầu tư đưa vào hoạt động chậm.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội du lịch Ninh Thuận thừa nhận cơ sở hạ tầng ở tỉnh còn thấp, khi chỉ có  chỉ có một resort bốn sao, ba resort  ba sao khi vào cao điểm. Doanh nghiệp (DN) lữ hành TP.HCM book không đủ cung cấp nên chán nản không muốn đưa khách về Ninh Thuận. Đây là bài toán khó của Ninh Thuận.

“Mong với vai trò đầu tàu TP. HCM giúp Ninh Thuận tiếp tục hỗ trợ quảng bá xúc tiến du lịch Ninh Thuận. Hỗ trợ giới thiệu các nhà đầu tư ở TP.HCM đến Ninh Thuận vì đa số các nhà đầu tư lớn về du lịch ở Ninh Thuận chủ yếu đến từ Hà Nội”, đại diện Hiệp hội du lịch Ninh Thuận tha thiết đề nghị.

Bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó giám đốc Ban Sản phẩm mua dịch vụ, Công ty Du lịch Vietravel cho biết, để kết nối sản phẩm du lịch từ TP.HCM thực tế cho thấy từng địa phương đều có bản sắc văn hóa đặc trưng riêng. Các địa phương cùng ngồi lại với nhau xác định thế mạnh của mình, xâu chuỗi thành câu chuyện sản phẩm. DN lữ hành là người quảng bá, bán sản phẩm đến khách hàng. Các địa phương cần công bố kế hoạch của mình trước một năm để DN lên kế hoạch quảng bá xây dựng sản phẩm mới…

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở du lich TPHCM (thứ hai từ trái qua) cùng lãnh đạo ba tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định kí kết hợp tác phát triển du lịch 2019-2024.

Ai cũng “giấu bài” làm sao liên kết phát triển

Ông Dũng cho rằng, sự liên kết phải cần sự nỗ lực của chính quyền địa phương mới hấp dẫn đơn vị lữ hành. Hiện các tỉnh chưa công bố cho các đơn vị lữ hành chương trình công tác của mình, điểm mới của mình. Các DN tự đặt chi nhánh liên hệ với các địa phương, trong khi các công ty địa phương không biết năm nay tỉnh nhà có cái gì.

Nguyên nhân là các hãng lữ hành cạnh tranh lẫn nhau, cạnh tranh sản phẩm, không thành thật chia sẻ thông tin với nhau, DN tỉnh nào cũng “giấu bài”. Tư tưởng còn hơn thua, khi đi quảng bá chung người ở tỉnh mình cho rằng tỉnh mình đẹp hơn tỉnh khác….

Theo ông Dũng, sự liên kết là mang tính tự nguyện, dựa nền tảng của mỗi địa phương, làm sao giới thiệu những nét nổi trội mỗi địa phương, tận dụng lợi thế của mỗi địa phương. Hiện nay tour Bình Định - Phú Yên rất tốt nhưng cần liên kết để tạo thành điểm đến liên vùng nổi tiếng, tạo sự hài lòng cho khách. Ví dụ Phú Yên có "Hoa vàng trên cỏ xanh" (Bãi Xép) điểm đó phải như thế nào để xứng đáng là điểm đến, thì Phú Yên làm một cái, Bình Định làm một cái tạo thành chuỗi liên kết.

Ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho hay cách đây ba năm, nhờ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thì Phú Yên mới được biết đến nhiều rất nhiều cảnh miền quê trong phim này được thực hiện ở Phú Yên. Trước khi có phim này, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch Phú Yên chỉ 12-13%, nhưng từ ngày có phim tăng trên 20%, năm đột biến tăng 30%.

“Quan trọng là các địa phương giúp nhau trong truyền thông giới thiệu điểm đến tới du khách. Mong thời gian tới hợp tác sâu rộng hơn. Hỗ trợ cho nhau trong tuyên truyền quảng bá các sản phẩm du lịch các địa phương. Liên kết chặt chẽ hơn nữa việc trao đổi khách, điều này vừa là quyền lợi nghĩa tình với nhau. Hỗ trợ phát triển đào tạo nguồn nhân lực”, ông Tiến nói.

Thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An). Ảnh: TL

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng với xu hướng phát triển du lịch trên thế giới là trải nghiệm, đi liên tour liên tuyến, TPHCM là trung tâm du lịch phía Nam và cả nước nhưng cần sự liên kết để bổ trợ cho sản phẩm du lịch TP.HCM của các tỉnh. Kết quả bước đầu đáng ghi nhận nhưng cần phải làm nhiều hơn.

“Các tỉnh phải hợp tác với nhau để bổ trợ trong công tác xúc tiến du lịch, hỗ trợ đào tạo du lịch. Thông qua vai trò của DN để kết nối các điểm đến giữa các tỉnh. Từ sự phối hợp của DN với nhau sẽ dẫn dắt các tuyến điểm du lịch giữa bốn tỉnh”, ông Vũ nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm