Đổi mới, sáng tạo nhìn từ chuyện biến con hào thành thuốc

Tại buổi tọa đàm "Doanh nghiệp TP.HCM cần thêm động lực đổi mới, sáng tạodo báo Người Lao Động tổ chức ngày 12-10, ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, chia sẻ:  “Đổi mới sáng tạo (ĐMST) nằm ở nhiều khía cạnh từ quản trị điều hành, kế hoạch kinh doanh… và hiện nay không doanh nghiệp (DN) nào không nhận ra. Yếu tố nội tại là một vấn đề nhưng động lực bên ngoài cũng rất cần thiết cho DN”. 

Theo ông Quý, từ năm 2008-2009, Vinasun đã nghiên cứu ứng dụng CNTT vào hoạt động quản trị và hoạt động kinh doanh nhưng lúc đó cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin rất yếu, cộng thêm chi phí cao. Đến giai đoạn 2012-2014 cơ sở hạ tầng tốt hơn, Vinasun đã tập trung nguồn lực con người lẫn tài chính để nghiên cứu phần mềm ứng dụng vào quản lý.

Kinh doanh vận tải taxi có 13 điều kiện đi theo rất ngặt nghèo như kinh doanh, hộp đen, đồng hồ tính tiền, thẻ nhận dạng tài xế… thì Vinasun đáp ứng được yêu cầu của quy định pháp luật. Nhưng cái khó nhất của DN đang gặp phải là rào cản về những quy định cũng như chính sách.

Trong khi đó các DN đa quốc gia vào Việt Nam có nguồn tài chính mạnh, kinh doanh trên nhiều thị trường khác nhau nên linh hoạt trong sử dụng dòng tiền hợp lí. Có thể nói khi họ bước chân vào thị trường Việt Nam, các DN trong nước không chống đỡ nổi. Trong điều kiện đã không bình đẳng, DN nước ngoài lại dùng sân chơi, cách chơi để "tiêu diệt" DN Việt.  

 “Chúng ta khuyến khích khởi nghiệp, điều này đúng và cần động viên khởi nghiệp. Nhưng xin đừng để xảy ra tình trạng các DN Việt Nam không có điều kiện để lớn, đừng để xảy ra tình trạng các DN không có cơ hội trở thành DN lớn”, ông Quý chia sẻ.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, phát biểu tại hội thảo

Trong khi đó, theo ông Đỗ Thanh Năm, chuyên gia quản trị nói đến ĐMST về chính sách vĩ mô phải tạo điều kiện cho những DN, con người tham gia vào đó thấy có động lực để sáng tạo. Nhưng Việt Nam đang bị rào cản rất lớn về mặt tâm lý để thực hiện mục tiêu này.

Chẳng hạn, Cần Giờ nuôi hào rất nhiều, hào có giá trị rất cao và chúng ta chỉ nghĩ làm sao đưa vào Co.opmart bán 100.000 đồng/kg. Nhưng ở New Zealand, từ con hào họ thủy phân lấy tinh chất biến thành thuốc tăng cường sinh lý cho đàn ông, viên thuốc nhỏ họ bán 700.000 đồng. Ngoài ra có quốc gia nghiên cứu biến vỏ sò thành hạt nhựa.

“Chúng ta cần kết hợp nhiều công nghệ sẽ giải quyết được bài toán con hàu của Việt Nam”, ông Năm đề nghị.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, CEO P.A.T Consulting, cho rằng:  DN bảo rằng cần có chính sách tốt của Nhà nước và đương nhiên Nhà nước cần có chính sách tốt để DN phát triển hơn nữa nhưng quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của DN. Thực tế các hãng của nước ngoài luôn có đột phá đổi mới sáng tạo và starup ngay trong DN của họ, cái này trở thành chính sách đàng hoàng.

“Tôi biết một DN có gần 1.000 kỹ sư lập trình là người Việt. Một năm họ bỏ ra  khoảng 3 triệu USD để làm ra những sản phẩm sáng tạo trong nội bộ. Họ đặt mục tiêu một hai năm nếu anh làm ra sản phẩm bán không được thì về làm nhân viên; nếu sản phẩm tốt đem bán ở quốc tế và họ chỉ nhắm đến thị trường Mỹ. Trong vòng 4 năm qua, họ có hai sản phẩm được hai quỹ đầu tư của Mỹ mua 80 triệu USD. Điều này cho thấy quan trọng là đẩy mạnh sáng tạo trong nội bộ DN”, ông Tuấn dẫn chứng.

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, hiện nay thành phố có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ cho DN. Tuy có rất nhiều chương trình nhưng chưa đến với DN nhiều lắm.

“Chúng tôi đang thành lập trung tâm hỗ trợ và ĐMST TP.HCM. Tôi nghĩ rằng dù chương trình ĐMST còn non trẻ nhưng hy vọng sắp tới DN có thể tiếp cận với chúng tôi để chúng tôi triển khai các chương trình hỗ trợ DN”, ông Thanh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm