Băn khoăn về Dự án Luật Phòng chống tác hại rượu, bia

Tại hội nghị, nhiều DN đã bày tỏ băn khoăn xung quanh một số quy định trong Dự Luật.

Cấm quảng cáo và tài trợ có giảm thiểu lạm dụng?

Một trong những vấn đề được các DN quan tâm đó là việc cấm khuyến mại, quảng cáo, tài trợ đối với bia rượu dưới 5,5 độ cồn. Đại diện Heineken cho rằng đề xuất này không làm giảm thiểu vấn đề lạm dụng rượu bia ở Việt Nam, đồng thời mang lại tổn thất cho nền kinh tế.

Theo kiến nghị của một số DN sản xuất rượu bia, họ vẫn được tài trợ cho các chương trình thể thao, văn hóa, giải trí. Thực tế, trong thời gian vừa qua công chúng đã tiếp cận rất nhiều sự kiện văn hóa, thể thao với sự tài trợ của các DN trong lĩnh vực này, có thể kể đến: Tiger Remix, Heineken F1 hay Heineken Countdown...

Có lo ngại cho rằng, nếu việc hạn chế cho các công ty bia rượu tài trợ cho các hoạt động trong nước được thực hiện, nguồn tài trợ này sẽ “chảy” ra các sự kiện ở nước ngoài. Như vậy, thiệt hại về việc không được thưởng thức các hoạt động văn hóa, thể thao sẽ thuộc về công chúng nói chung.

Dẫn chiếu từ kinh nghiệm thực tiễn quốc tế, đại diện Heineken cho biết việc giới hạn quảng cáo không có tác dụng tới thiểu số những người lạm dụng rượu bia. Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt cho rằng, Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê cần có những đánh giá chính thức về các con số trong ngành và xem xét kỹ lưỡng khi xây dựng Luật; phải có đánh giá tác động định lượng  do đồ uống có cồn phi pháp, trong đó chủ yếu là rượu lậu, rượu kém chất lượng, mới là nguyên nhân gây ra những tác động xấu đến sức khỏe người dân.

Cấm bán và quảng cáo rượu bia trên Internet

Dự thảo luật hiện nay không cho phép DN được quảng cáo sản phẩm trên mạng Internet, trừ trang thông tin điện tử của chính doanh nghiệp. Đồng thời dự thảo cũng cấm bán hàng thông qua hình thức thương mại điện tử trên mạng Internet.

Các ý kiến cho rằng quy định này đi ngược lại với xu hướng phát triển trong thời gian cách mạng 4.0 hiện nay, cũng đang được Chính phủ hết sức quan tâm và khuyến khích.

Ông Shivam Misra, đồng Chủ tịch Tiểu ban Rượu vang - Rượu mạnh thuộc EuroCcham cho rằng, quy định cấm kinh doanh rượu bia trên Internet sẽ gây ảnh hưởng đến những nhà sản xuất chân chính.

Theo ông Shivam Misra, nếu Việt Nam muốn kiểm soát tốt vấn đề kinh doanh đồ uống có cồn thì việc sử dụng công cụ trên Internet sẽ mang lại hiệu quả. Bởi vì một người chưa trưởng thành dưới 18 tuổi ra một cửa hàng bên ngoài mua theo cách truyền thống sẽ rất khó để kiểm soát được thông tin cá nhân của người đó nhưng việc mua bán trên Internet sẽ giúp kiểm tra thông tin và kiểm soát được điều này.

Một vấn đề nữa cũng được đặt ra đó là việc bán rượu, bia trên Internet cũng là một kênh quan trọng để kiểm soát chất lượng, nguồn gốc của các sản phẩm này.  Chuyên gia tài chính Ngô Trí Long cho rằng, vấn đề trọng tâm phải làm sao kiểm soát được đồ uống có cồn lậu, kém chất lượng, bất hợp pháp, trong khi vấn đề này lại hoàn toàn mờ nhạt trong dự thảo.

Hạn chế thời gian bán, thúc đẩy hành vi bất hợp pháp

Thứ trưởng Bộ y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại hội nghị.

Dự án luật cũng đưa ra nội dung hạn chế thời gian bán hàng, theo đó “Thời gian không bán rượu, bia đối với cơ sở bán lẻ rượu, bia và cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ thực hiện theo lộ trình của Chính phủ.”

Có ý kiến thẳng thắn cho rằng, việc hạn chế này “sẽ làm thúc đẩy hành vi tiêu thụ bất hợp pháp”.  Giải thích về ý kiến này, các đại biểu bày tỏ nếu không được uống rượu bia hợp pháp sau một mốc thời gian cụ thể theo quy định, ví dụ như 10 giờ tối, người tiêu dùng vẫn sẽ uống rượu bia và khi đó họ sẽ uống trái phép. Hơn nữa, quy định này cũng dẫn đến việc giảm nguồn thu thuế.

Hạn chế thời gian bán nghiêm ngặt sẽ chỉ làm tăng nhu cầu với các sản phẩm trái phép hay khiến các điểm bán lách luật. Điều này cũng sẽ dẫn tới việc gia tăng tình trạng lái xe sau khi uống rượu, bia khi người tiêu dùng di chuyển từ địa điểm có giờ ngừng bán hàng sớm hơn tới một địa điểm khác để có thể tiếp tục uống.

Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, những ý kiến cụ thể về từng vấn đề mà đại diện các DN đưa ra sẽ là những thông tin hữu ích cho việc thẩm tra của Ủy ban đối với Dự án luật này trong thời gian tới.

 

 Cần bỏ “Quỹ Nâng cao sức khỏe”

Nêu ý kiến về Quỹ Nâng cao sức khỏe, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội nói bày tỏ ý kiến: “Liệu việc thành lập Quỹ phòng chống tác hại của rượu, bia có thực sự nâng cao sức khỏe cho người dân, có thực sự chống được tác hại mà rượu, bia gây nên không?... Nghị quyết của Chính phủ đã nói rõ là không thành lập quỹ rồi. Nên dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia dù Bộ Y tế có đề xuất lập quỹ cũng không được, như vậy là trái với Nghị quyết của Chính phủ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm