Đề xuất 'kết liễu' xăng A95, chỉ được bán xăng sinh học

Theo tin từ Bộ Công Thương, mới đây Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và các đơn vị chức năng Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với các đầu mối kinh doanh xăng dầu về tình hình triển khai xăng sinh học E5 RON92 (xăng E5).

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong hai tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1.429.905 m3, trong đó xăng E5 đạt khoảng 593.609 m3, chiếm tỉ trọng khoảng 42%; xăng A95 đạt khoảng 836.296 m3, chiếm tỉ trọng khoảng 58%.

Một số doanh nghiệp đầu mối có tỉ trọng tiêu thụ E5 khá cao so với tổng lượng xăng tiêu thụ như Công ty Cổ phần Thiên Minh Đức (đạt 70,93%), Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (62,37%), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil, đạt 51,37%), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, đạt 47,06%),...

Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm chia sẻ tỉ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức kỳ vọng. Nguyên nhân xuất phát từ việc người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng khi sử dụng xăng E5 bởi dư luận trong xã hội còn có nhiều ý kiến trái chiều; độ chênh giá giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng A95 chưa đủ lớn để hấp dẫn người dùng, việc triển khai của nhiều thương nhân đầu mối chưa thực sự quyết liệt...

Bên cạnh đó, giá sắn trong nước đang tăng cao làm tăng giá thành nguyên liệu đầu vào để sản xuất cồn E100 khiến cho mức giá bán E100 gần đây tăng lên, khiến chi phí phối trộn xăng E5 cũng bị tăng lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp...

Còn ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc PVOil, đề xuất khoảng cách chênh lệch về giá giữa E5 và A95 là 1.800-2.000 đồng thì sẽ tạo được sự hấp dẫn đối với xăng E5 nhiều hơn nữa.

Trong khi đó, ông Trần Minh Hà, Phó Tổng Giám đốc SaigonPetro, nhấn mạnh nếu không cải thiện về chính sách, sản lượng xăng sinh học bán ra sẽ không được như kỳ vọng. Ông Trần Minh Hà cũng đề xuất tăng chênh lệch giữa E5 và A95 từ 1.800 đồng trở lên; điều này sẽ thực sự hấp dẫn, đặc biệt là đối tượng lái xe taxi.

Bên cạnh đó, ông Hà đặt ra vấn đề nên sớm triển khai bán xăng sinh học E5 RON95 và chỉ kinh doanh hai loại xăng sinh học trên toàn quốc là E5 RON92 và E5 RON95.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao và khẳng định sẽ tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Chính phủ sau về đề xuất trên.

Vì sao xăng sinh học hẩm hiu?

Xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc liên quan đến việc tiêu thụ xăng sin học:

Niềm tin mới quan trọng

Tại sao cứ tranh luận về giá, về lãi thu được của người kinh doanh mà bỏ quên người tiêu dùng. Tại sao không đặt câu hỏi "Vì sao người tiêu dùng không mặn mà với xăng sinh học E5 ". Giá chỉ một phần nhưng chất lượng và niềm tin mới quan trọng. Những cây xăng kinh doanh xăng cất lượng kém bị bắt rồi xử lý như thế nào?

Đừng để vừa đá bóng vừa thổi còi thì người dân sẽ mất niềm tin vào chất lượng. Tôi sử dụng xăng sinh học em 5 thì mỗi buổi sang khởi động hơi khó, tiếng nổ hơi ngắt quảng. Chỉ khi động cơ nóng mới ổn định. Có ai giải thích vì sao mà cứ lo cho người kinh doanh. Buồn thật.

Bạn đọc Dương Văn Tuấn

Lo ngại về chất lượng

Khi xăng E5 mới ra đời, người dân đã không mặn mà với nó, bởi thực chất nền tảng của loại xăng này vẫn dựa trên cơ sở xăng A92 (chiếm 95%) có pha thêm một chút cồn ethanol (chiếm 5%).

Việc pha trộn ethanol vào xăng có thể ảnh hưởng đến động cơ phương tiện của người sử dụng, cho dù có một số nhà khoa học đã lý giải cổ vũ và quảng cáo cho loại xăng này, nhưng rất khó tạo được niềm tin ở người sử dụng.

Số tiền ít ỏi dư ra do mua xăng E5 liệu có bù đắp được thiệt hại gây ra cho chiếc xe hàng chục triệu đồng nếu có điều gì xảy ra do sử dụng xăng E5?. Việc quảng cáo xăng E5 là “nhiên liệu sinh học” có là đánh tráo khái niệm và mập mờ?

Chưa kể việc cho rằng “sử dụng xăng E5 chẳng khác gì xăng A92” khi các chỉ số của hai loại nhiên liệu này khác nhau, là rất khó được chấp nhận, bởi đã có phàn nàn về hiệu suất động cơ và mức tiêu hao nhiên liệu khi sử dụng xăng E5, khi so sánh xăng E5 với xăng A92.

Trước kia, nhập xăng A92 về là cho dân sử dụng ngay, còn giờ đây nhập xăng A92 về lại không cho dân sử dụng ngay, mà đem pha chút xíu cồn vào xăng A92 rồi mới cho dân sử dụng. Trong khi không chứng minh được tính ưu việt vượt trội của xăng E5 so với xăng A92, việc làm đó có sự mờ ám, dân rất nghi ngờ.

Khi sản phẩm xăng E5 chỉ là “dị bản” của xăng A92, được người dân đón nhận bằng sự thờ ơ, thiếu tin tưởng, mà lại quy định bắt buộc sử dụng nó, đồng thời “khai tử” luôn đối với sản phẩm gốc (A92) mà dân đang sử dụng phổ biến, thì càng làm cho người dân xa lánh với sản phẩm này.

Tôi có thể cam đoan rằng, nếu nhà nước cho sử dụng lại xăng A92 vào thời điểm này thì số phận xăng E5 còn hẩm hiu hơn trước đây.

Bạn đọc TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm