Cô gái Bến Tre mang đặc sản rừng nước mặn lên phố

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Chúng tôi muốn tìm được một điều gì rất mới lạ từ một thời tuổi trẻ biết xung phong”. Và quả thật, sau bao thế hệ thanh niên xung phong, tuổi trẻ Việt Nam vẫn còn những con người dấn thân tự tìm ra lối đi riêng cho mình, cho cả quê hương.

Ở một nơi đất mặn miền Tây sông nước, cô gái Trịnh Thị Ngọc Hiện sinh năm 1988, tỉnh Bến Tre, ngày qua ngày miệt mài bên dự án khởi nghiệp “Kinh doanh với người giữ rừng” bằng cách nâng cao giá trị thủy sản dưới tán rừng ở khu vực ven biển.

“Mình chỉ là một cô gái quê, rặc ri chân phèn"

Cũng như bao người dân nơi đây, Hiện yêu cái sự mặn mòi của nước, của lũ tôm cá sinh trưởng một cách tự nhiên trong những đám bần, đám đước.

Sinh ra và lớn lên nơi bốn bề  sông nước, lại tốt nghiệp  ĐH Nông Lâm (TP.HCM), về làm việc tại Trung tâm chuyển giao công nghệ - dịch vụ và phát triển cộng đồng nông - ngư nghiệp Việt Nam (thuộc Hội Nghề cá Việt Nam), Hiện hiểu hơn ai hết những gì rừng mang lại cho cuộc sống con người miền Tây.

Trịnh Thị Ngọc Hiện mong muốn đem sản vật từ rừng ra "phố thị".

Ngày qua ngày, cô gái ấy mang sản vật quê hương lên phố thị, mở ra một cánh cửa mới cho sản vật quê hương dưới vùng đất phèn nước mặn.

Sau ba năm kể từ ngày dự án “Kinh doanh với người giữ rừng” của chị nhận được giải ba trong cuộc thi “Dự án khởi nghiệp lần 2 năm 2016” do trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, Hiện thành lập Công ty Cổ phần ANFOODS với kỳ vọng mang những sản vật thủy sản được nuôi dưỡng tự nhiên, không có sự tác động bởi con người và hóa chất của quê hương đến tay người tiêu dùng.

Hiện mở đầu cho câu chuyện bằng sự chân chất nhất: “Mình chỉ là một cô gái quê, rặc ri chân phèn tại tỉnh Bến Tre, người đi tìm đầu ra cho cá tôm từ rừng ngập mặn. Ở cái nơi một gáo nước ngọt cũng phải mua, bà con nông dân vẫn làm ăn hạnh phúc chan hòa với thiên nhiên. Cho đến một ngày làn sóng nuôi tôm công nghiệp tràn về, quét ngang, thổi bay đi phần lớn diện tích rừng phòng hộ ven biển, mà chúng ta, ai cũng biết rừng phòng hộ ven biển có tác dụng thế nào với những người dân sở tại và toàn cầu.

Với cái nắng chang chang của vùng biển, cái gió muối hắt lên từng gương mặt khắc khổ nơi đây, vẫn không thể dập tắt mộng đổi đời của bà con chân đất tay phèn. Bao nhiêu thứ thuốc hóa học, thuốc kháng sinh đổ xuống để giữ chân con tôm công nghiệp, môi trường bị hủy hoại, sản phẩm làm ra không ai kiểm soát được chất gì tồn dư bên trong” - chị trăn trở nói.

Cho đến năm 2013, Hiện tham gia vào dự án phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng xã biển (theo nguồn vốn của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế), “cô gái quê rặc ri chân phèn” nhận thấy nơi đây không chỉ có cảnh đẹp mà dưới tán rừng còn có nhiều loài thủy sản “sạch” có thể giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống của người nông dân và giúp họ yên tâm giữ rừng.

“Đây là thủy sản hoàn toàn tự nhiên không sử dụng hóa chất nhưng giá bán chưa cao, thậm chí bị đánh đồng với các loại thủy sản nuôi công nghiệp. Vì vậy, tôi muốn kết nối với những người giữ rừng nhằm tiêu thụ sản phẩm thủy sản, giúp họ ổn định thu nhập, an tâm giữ rừng, không bị thủy sản công nghiệp làm nản ý chí” - chị Ngọc Hiện tươi cười nói.

Và cứ thế, với số vốn liếng vẻn vẻn 5 triệu đồng cùng với lời động viên nhắn nhủ của không biết bao nhiêu anh chị khởi nghiệp đi trước, cô gái trẻ  bắt đầu thực hiện ý tưởng khởi nghiệp theo cách riêng của mình.

...Xây cây cầu từ rừng ra phố thị

Với mong ước giữ gìn những cánh rừng và chứng minh cho cộng đồng thấy vẫn có thể sống tốt, sống hạnh phúc với rừng, chị quyết tâm mang các sản phẩm sinh thái của quê hương đi giới thiệu khắp các ngõ ngách. Hiện vẫn nửa đùa nửa thực rằng nếu làm để kiếm lời, có lẽ chị đã bỏ dự án này từ lâu, bởi nó bấp bênh cho đến tận cùng...

Một ngày với Hiện, bắt đầu bằng chuyến hàng trình đi bộ xuyên rừng, đến những ngôi nhà nằm sâu trong cánh rừng đước để thuyết phục người dân bán tôm cá được đánh bắt tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn cho mình, thuyết phục hộ nông dân có rừng tư nhân bám trụ lại với rừng, tái tạo lại màu xanh của tự nhiên.

Những ngày đầu, chỉ hai hộ dân ở rừng chịu bán thủy sản cho Hiện với giá cao hơn 15% so với bán ngoài chợ. “Không dễ để thay đổi một thói quen khi mà đối tượng lại là những người dân và thói quen đó ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người ta”.

Vậy mà Hiện làm được, dù thành quả còn rất khiêm tốn, sau một năm kiên trì đi cùng người dân, dần dần số hộ dân đồng ý bán tăng lên 10 hộ (với diện tích hơn 100 ha), dẫu con số còn ít ỏi nhưng với chị đó là một thành công lớn.

Những con cua được đánh bắt tự nhiên dưới những cánh rừng nước mặn.

Dần dà, chị kể, "mưa dầm thấm lâu" người nông dân đã tin, họ chịu cắt tỉa rừng cho thoáng đãng, nếu trước kia, người nông dân bán tất cả những gì thu được từ mẻ lưới dù tôm to hay nhỏ, cá lớn hay cá bé... thì giờ đây bà con chỉ đánh bắt cá lớn, một mặt cân bằng được hệ sinh thái, mặt khác tạo ra nguồn hàng ổn định lâu dài.

Người nông dân còn được hướng dẫn cách bảo quản tôm cá sao cho tươi ngon nhất, không đánh bắt cá tận diệt bằng các loại thuốc hóa học để bảo tồn nguồn giống tự nhiên...

Sự kiên trì của Hiện, đã khiến những người nông dân hạn hẹp chữ nghĩa, lại chân chất với mọi điều trong cuộc sống, hiểu ra chỉ khi rừng được bảo vệ thì thủy sản - nguồn sống của họ - mới được nuôi dưỡng tốt.

Hiện bảo những mẻ lưới nặng trĩu của bà con mang theo bao đặc sản của vùng đất mặn, tôm sú, tôm đất, cua biển, cá nâu, cá chẽm, các đục... tất cả đều hoàn toàn sống tự nhiên, ăn bùn rêu cây cỏ.

Những sản phẩm khi thu mua đều còn sống, tươi ngon, có loại bán tươi cho khách đặt sẵn, loại thì sơ chế và cấp đông, hút chân không, đúng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, bởi Hiện tin sự tử tế luôn mang lại điều tốt đẹp.

Để tìm thêm nguồn ra cho sản phẩm, chị lại lọ mọ làm tôm khô, cá khô, chà bông... Mỗi một tháng, chị lại đem tôm cá đi kiểm nghiệm có tồn dư chất độc hại hay không, rồi lại đến truyền cho bà con cách bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước sạch.

Cá sau khi được làm sạch sẽ  được hút chân không để bảo quản.

Sau ba năm trôi qua, Hiện vẫn đang kiên trì gõ cửa từng cửa hàng, siêu thị ở TP.HCM và các tỉnh lân cận trong thời gian khá dài nhưng chỉ mới có 2 cửa hàng bán sản phẩm sạch, đồng ý mua sản phẩm.

Chị nói “sản phẩm được làm ra, ăn ai cũng khen ngon, mà bán thì khách hàng quá ít, bởi ai sẽ tin một đứa rặt ri chân phèn, một người chân ướt chân ráo lên Sài Gòn mang sản vật sạch thật sạch đây”.

Nhưng lạ thay sau cái sự buồn lòng ấy, Hiện - cô gái yêu nước mặn lạ kỳ, lại lạc quan ngay lập tức, bởi chị bảo mình còn đang bắt tay vào việc tổ chức những chuyến du lịch sinh thái vào rừng ngập mặn cho người “phố thị”, để mong mỏi sự tin tưởng và lối đi dài hơn cho sản phẩm của "người nhà quê".

Mỗi khách du lịch sau một ngày vất vả làm người giữ rừng, cùng bắt cá, thả lưới, rập cua, đục hào... đều mệt nhoài nhưng vui vẻ nướng những con cá, con hàu mới bắt được, cùng cạn một ly rượu đế cay nồng, ngân nga câu giọng cổ bên rặng đước trong rừng sâu.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

(PLO)- Hai doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần lớn ở Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thông tin này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ ngành thép.