Nước Nga sẽ có binh đoàn ‘lê dương’?

Ngày 9-10, sắc lệnh sửa đổi về quy định phục vụ theo hợp đồng của người nước ngoài trong các lực lượng vũ trang Liên bang Nga do Tổng thống Vladimir Putin ký kết đã được công bố. Theo đó, sắc lệnh cho phép người nước ngoài phục vụ trong quân đội Nga được tham gia các chiến dịch chống khủng bố và gìn giữ hòa bình ở nước ngoài.

Không cần trung thành với Nga

Sắc lệnh được công bố trên trang mạng chính thức của chính phủ Nga hôm 9-10 nêu rõ: “Những quân nhân Nga là công dân nước ngoài sẽ tham gia thực hiện các nhiệm vụ trong trường hợp thiết quân luật, trong các xung đột vũ trang và cũng có thể tham gia bất kỳ hoạt động nhằm mục đích duy trì hòa bình và an ninh giữa các quốc gia hoặc tham gia chống khủng bố bên ngoài biên giới Liên bang Nga”.

Tuy nhiên, luật sửa đổi không nói rõ người nước ngoài có được tham gia các nhiệm vụ trên lãnh thổ Nga hay không, hay là chỉ hợp đồng cho các nhiệm vụ ở nước ngoài.
Theo quy định cũ, người nước ngoài có thể tham gia phục vụ quân đội Nga trong trường hợp chiến tranh hoặc trong các trường hợp khủng hoảng vũ trang quốc tế. Nga thông báo chương trình tuyển mộ binh sĩ nước ngoài vào năm 2004 khi Bộ Quốc phòng quyết định thu hút thêm nhiều quân nhân do khủng hoảng nhân khẩu học.

Các quy định đăng ký nhập ngũ bao gồm ứng viên phải trong độ tuổi từ 18 đến 30, có trình độ trung học và phải nói tiếng Nga. Quy định yêu cầu tất cả ứng viên phải để lại dấu vân tay gửi lên Bộ Quốc phòng. Thời hạn hợp đồng tối thiểu đối với công dân nước ngoài là năm năm. Công dân nước ngoài phục vụ trong quân đội Nga được quyền xin nhập tịch Nga sau ba năm tại ngũ.

Người nước ngoài ký hợp đồng phục vụ trong quân đội Nga chỉ có thể là lục quân, hải quân, hạ sĩ quan và sĩ quan chuyên nghiệp chứ không có quyền trở thành sĩ quan chỉ huy. Khác với người Nga, người nước ngoài phục vụ trong quân đội Nga không phải tuyên thệ trung thành với nước Nga nhưng vẫn phải tuân thủ hiến pháp Nga, chấp hành nghiêm chỉnh điều lệnh quân đội và mệnh lệnh của cấp trên, theo hãng tin RT.

Các học viên học tập tại học viện quân sự pháo binh Mikhailovskaya ở St. Petersburg, Nga. Ảnh: REUTERS

Các ứng viên trong một buổi đăng ký nhập ngũ. Ảnh: RT

Binh đoàn lê dương Pháp (FFL). Ảnh: AP

Sẽ có binh đoàn “lê dương”?

Roman Khudyakov, nhà lập pháp đảng Dân chủ Giải phóng Nga năm 2014 đã gửi đề xuất thành lập các đơn vị quân đội dành riêng cho người nước ngoài để đối phó các mối đe dọa từ các nhóm cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Theo đó, ông đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga và khối quân sự do Nga dẫn đầu (CSTO) nghiên cứu cách thành lập bên trong quân đội Nga một đơn vị mà ông so sánh giống như Binh đoàn lê dương Pháp (FFL).

“Trong FFL, họ đã ký hợp đồng với những người lính từ 136 quốc gia và không một công dân Pháp nào phải hy sinh trong chiến tranh. Vậy tại sao những người lính của chúng ta phải chết? Bằng cách này hay cách khác, chúng ta phải đối phó được những thách thức hiện đại - là an ninh toàn cầu hoặc đe dọa chủ nghĩa khủng bố” - ông Khudyakov nói trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Izvestia.

Ông Khudyakov cho hay những đe dọa gần đây từ IS đối với Nga là có thực và nếu nhà chức trách muốn ngăn những phần tử khủng bố này thì tốt hơn hết là nên thực hiện bên ngoài biên giới Nga và không cần binh sĩ Nga phải trực tiếp tham gia. Theo ông, Nga nên thành lập binh đoàn đặt dưới sự quản lý của người Tajikistan và Uzbekistan, trong đó các tư lệnh và người hướng dẫn là các sĩ quan quân đội chuyên nghiệp từ Nga. Ông khẳng định: “Chúng ta đã sẵn sàng làm như vậy đối với công dân Tajikistan, bởi lẽ tất cả học viên sĩ quan của họ đều đang theo học tại các trường quân sự Nga. Chúng ta có đủ kinh nghiệm và nguồn lực”.

Ông Khudyakov đánh giá dự án này sẽ không ngốn nhiều tiền như Binh đoàn lê dương Pháp khi tiền lương hằng tháng của một binh sĩ tư nhân là gần 1.000 euro. Nhà lập pháp đề xuất “lính lê dương” của Nga có thể nhận được cùng mức lương với các quân nhân hợp đồng của Nga, ngoài ra còn được nhập tịch Nga sau sáu năm tại ngũ. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được Quốc hội thông qua.

Nước cờ cao tay (?)

Các nhà quan sát cho biết quyết định trên của Tổng thống Putin chủ yếu xuất phát từ những diễn biến ở Syria. Những sửa đổi trong luật nhằm tăng cường sự hiện diện của quân đội Nga ở Syria và các vùng khác trong tương lai nếu có nhu cầu, theo tờ Asharq Al-Awsat dẫn nguồn tin từ Moscow.

Nguồn tin trên cũng đánh giá biện pháp này hạn chế triển khai một số lượng lớn công dân Nga ra chiến trường, đặc biệt trước lo ngại số lượng thương vong tăng vọt gây bất ổn xã hội. Còn theo trang RBK đưa tin, nhân viên quân sự hợp đồng của Nga hiện đã được triển khai ở Nga nhưng Bộ Quốc phòng nước này không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về việc triển khai binh sĩ nước ngoài ở Syria.

Trong khi đó, nhà phân tích quốc phòng Jonathan Marcus của BBC nhận định: Sắc lệnh tuyển quân nước ngoài của ông Putin là một nỗ lực chuyên nghiệp hóa lực lượng vũ trang Nga. Hai chuyên gia quân sự Nga là Pavel Felgenhauer và Golts nói với BBC rằng sắc lệnh mới sẽ hợp thức hóa một thực tế đã tồn tại từ nhiều năm nay ở các vùng mà quân Nga được triển khai ngoài biên giới. Sắc lệnh này sẽ giúp quân đội Nga dễ tuyển quân ở Trung Á, vùng Caucasus và vùng ly khai thân Nga Trans-Dniester ở Moldova. Theo ông Felgenhauer, việc đưa quân nhân người Nga đến Trung Á “rất tốn kém và có thể nhiều quân nhân sẽ nằm lại trên xứ người. Tuyển người địa phương thì thực tế hơn”.

“Những mối đe dọa nghiêm trọng đang nổi lên ở Trung Á sau khi NATO rút khỏi Afghanistan. Sẽ có khả năng Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực với chiến thuật là sĩ quan Nga chỉ huy binh lính địa phương. Nhưng nói vậy cũng không đồng nghĩa việc tuyển chọn người nước ngoài vào quân đội sẽ diễn ra thiếu kiểm soát” - ông Felgenhauer nhận định.

Kể từ khi chương trình tuyển mộ người nước ngoài gia nhập quân đội Nga bắt đầu cho đến nay, số lượng quân nhân nước ngoài nhập ngũ không vượt qua con số 350 người, theo RT.

Năm 2009, có 340 quân nhân nước ngoài đến từ các nước cộng hòa Liên Xô cũ phục vụ trong quân đội Nga. Trong số đó gồm 103 công dân Tajikistan, 69 người Uzbekistan và 42 người Ukraine. Tờ The Moscow Times cho biết khoản lương tháng của một binh sĩ hợp đồng trong quân đội Nga là 30.000 rup (500 USD).

_____________________________

Binh đoàn lê dương Pháp (FFL) là đội quân đánh thuê thuộc biên chế lục quân Pháp, ra đời vào năm 1831. Để trở thành lính FFL, người ta chỉ cần ký và hoàn thành các điều khoản nói rõ trong hợp đồng. Ngoại trừ một số tội phạm nhất định bị từ chối, Binh đoàn lê dương sẵn sàng tiếp nhận mọi thành phần xã hội. Ngay từ thời kỳ đầu, FFL đã là nơi gột rửa tiếng xấu cho những người có quá khứ không mấy tốt đẹp. Những người có tiền án, lừa đảo hay đào ngũ từ quốc gia bản địa đều có thể gia nhập hàng ngũ này, theo Bussiness Insider.

FFL là tập hợp binh sĩ đến từ gần 140 quốc gia và có cơ hội trở thành công dân Pháp với điều kiện tối thiểu là ba năm chiến đấu hoặc bất ngờ bị thương trong quá trình cống hiến cho nước Pháp. Hiện nay Binh đoàn lê dương Pháp có khoảng 8.000 người. Họ được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhằm đảm trách vai trò phản ứng nhanh của quân đội Pháp.

Trong quá trình phục vụ, người lính sẽ được trả lương theo đúng chuẩn của quân đội Pháp chứ không hề bị phân biệt đối xử, khoảng 1.000 euro/tháng. Một điều thú vị về FFL nữa là cho phép uống rượu. Ngay cả ở trong khu vực chiến sự, lính lê dương vẫn có thể uống rượu trong lúc nghỉ. Rượu trở thành một phần văn hóa của lực lượng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm