Người Trung Quốc vỡ mộng ở Venezuela

Venezuela được coi là nơi có cộng đồng người Hoa lớn nhất khu vực Nam Mỹ. Từng có tới hơn 400.000 người Trung Quốc (TQ) sinh sống tại đây. Tuy nhiên, trong hơn ba năm qua, nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này rơi vào lạm phát, bạo lực diễn ra triền miên khiến hàng chục ngàn người gốc Hoa “vỡ mộng”, phải tìm cách hồi hương.

Giấc mộng Venezuela tan vỡ

Bà Mey Hou, 39 tuổi, có quê gốc ở thị xã Ân Bình, tỉnh Quảng Đông, hồi tháng 12-2015 đã phải đưa ba người con của mình rời khỏi Venezuela, kết thúc 15 năm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp ở nước ngoài. Chồng bà và một người em họ cũng về nước sau đó một năm.

Bà Hou đến Venezuela lần đầu tiên vào năm 2000 với thị thực du lịch và ngay lập tức bị ấn tượng với nền kinh tế đang bùng nổ của đất nước này. Bà đã có cuộc sống mơ ước ở Nam Mỹ trong hơn một thập niên: Kết hôn với một người nhập cư TQ, có ba người con, được định cư vĩnh viễn, làm chủ hai cửa hàng và giúp hai em trai di cư sang Venezuela. “Thế rồi những cửa hàng của tôi bị cướp. Chúng tôi chỉ còn cách bỏ mặc chúng và chạy về TQ” - bà Hou nhớ lại những tháng cuối cùng bám trụ tại Venezuela. Người phụ nữ này cho biết có ít nhất 50.000 người quê gốc ở thị xã Ân Bình cũng phải rời bỏ nhà cửa ở Venezuela để về TQ vào năm 2015 như bà.

David Hou, em trai của bà Mey Hou, vẫn đang bám trụ lại thủ đô Caracas của Venezuela để làm việc trong ngành xây dựng với các dự án do TQ đầu tư. “Ngày nay muốn ăn uống tại một quán cà phê sang trọng ở Caracas phải tốn ít nhất 200.000 bolivar (khoảng 93 USD), trong khi mức lương tối thiểu cho một nhân viên địa phương chỉ khoảng 170.000 bolivar/tháng” - tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) dẫn lời David nói. Mức lạm phát tại Venezuela dự kiến có thể lên tới 1.500% trong năm nay.

Trong khi đó, Lisa Tan, một người gốc Hoa sinh ra ở Venezuela vào những năm 1960, cho biết việc kinh doanh ở Venezuela giờ đây trở nên vô nghĩa vì đồng tiền trong nước liên tục mất giá. Thời điểm nghiêm trọng nhất 100 USD có thể đổi được tới 1,2 triệu bolivar. Bà kể lại: “Bây giờ bạn chỉ có thể mua đường từ bọn đầu cơ với giá chợ đen, khoảng 7.700 bolivar/kg. Rất nhiều người đang thất nghiệp, nhiều người thậm chí phải nhặt thức ăn”. Theo bà Lisa Tan, có ít nhất 68 cửa hàng, trong đó phần nhiều là của người TQ, đã bị hôi của vào cuối tháng 6 ở thị trấn Maracay, cách thủ đô Caracas 80 km và tình trạng bất ổn ngày càng lan rộng.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (phải).
TQ thường xuyên cho Venezuela vay những khoản tiền khổng lồ. Ảnh: REUTERS

Dòng người xếp hàng dài đợi mua thực phẩm tại một siêu thị ở thủ đô Caracas, Venezuela. Ảnh: GETTY IMAGES

Bà Mey Hou (phải) trở về TQ sau 15 năm sống ở Venezuela. Ảnh: SCMP

Bắc Kinh dần xa lánh

Cùng với Nga, TQ từ lâu là đối tác chiến lược của Venezuela khi thường xuyên cho quốc gia này vay những khoản tiền khổng lồ. Bù lại TQ có được những quyền lợi về khai thác, đầu tư dầu mỏ, khoáng sản. Tuy nhiên, việc giá dầu giảm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng Venezuela trả nợ cho TQ. “Đối với TQ, Venezuela là nước được vay vốn hàng đầu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng khiến nước này không thể hoàn trả khoản vay theo điều khoản đã đồng ý với TQ và cũng không thể cung cấp đủ lượng dầu như đã thỏa thuận ban đầu. Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện nay của Venezuela đang có ảnh hưởng trực tiếp và tiêu cực tới lợi ích kinh tế và ngoại giao của TQ” - ông Matt Ferchen, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định.

Theo tờ SCMP, Bắc Kinh dường như cũng đã bắt đầu có những chính sách “thoái lui” khỏi Venezuela để tránh những rủi ro mất trắng nếu khủng hoảng chính trị lên đến đỉnh điểm. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Lục Khảng hồi tháng 4 khẳng định nước này sẽ không can thiệp vào vấn đề nội bộ của Venezuela và bày tỏ tin tưởng rằng người dân Venezuela có thể giải quyết đúng đắn các vấn đề trong nước và duy trì ổn định kinh tế-xã hội. Một tháng sau đó, cơ quan du lịch của TQ ra cảnh báo người dân nước này không nên đến Venezuela du lịch.

Tại Bắc Kinh, các cuộc họp về vấn đề Venezuela ngày càng nhiều. Cuộc họp cấp cao do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì hồi cuối tháng 6 khẳng định sự an toàn của các doanh nghiệp và đầu tư ở nước ngoài của TQ là một vấn đề phải được xem xét nghiêm túc, theo SCMP. Viện Khoa học xã hội TQ cũng hai lần đánh giá Venezuela là nơi nguy hiểm nhất cho đầu tư của các doanh nghiệp TQ.

Về chưa nóng chỗ lại đi

Nhiều người TQ hồi hương từ Venezuela cũng phải đối mặt với nguy cơ phải rời bỏ quê hương một lần nữa khi cuộc sống quê nhà không hề dễ dàng với họ.

“Khoảng 50.000-60.000 người TQ đã rời khỏi Venezuela để trở về Ân Bình nhưng họ rất ít khi được chính quyền địa phương giúp đỡ. Một số người đã sử dụng tiền tiết kiệm để đầu tư vào bất động sản và các nhà hàng ở Giang Môn. Nhưng nhiều người trong chúng tôi vẫn bị mắc kẹt ở đây và thất nghiệp. Chúng tôi đang tìm cách ra nước ngoài một lần nữa” - ông Mingli Zhong, người trở về Ân Bình sau 20 năm định cư ở Venezuela, chia sẻ. “Thật khó cho những người như chúng tôi, ở tuổi của chúng tôi để tìm việc làm. Chúng tôi đã sống ở nước ngoài trong nhiều năm và đã quen với văn hóa địa phương và xã hội ở đó” - ông nói.

Trong khi đó, David Hou dù quyết định ở lại Venezuela nhưng vợ ông đã sang Canada với thị thực du lịch. “Cô ấy sẽ ở lại đó trong vài tháng. Cô ấy có thể kiếm được ít nhất vài ngàn USD khi lao động “chui” tại đó. Chúng tôi cần thêm thu nhập để chăm sóc gia đình và con cái” - anh nói. Theo tờ SCMP, nhiều người TQ trở về từ Venezuela đang tìm cách di cư một lần nữa khi bắt đầu tìm kiếm thị thực lao động cho phép họ có thể sống lâu dài ở Mỹ.

Ông Liu Zhenbiao, Giám đốc công ty về thị thực ở Giang Môn, cho biết thị thực định cư việc làm EB có thể là cơ hội cho những người TQ muốn được định cư lâu dài ở Mỹ. Thị thực nhập cư EB-3 của Mỹ cho phép người lao động tay nghề cao có thể có thẻ xanh và định cư ở Mỹ, trong khi thị thực EB-3C dành cho những người nước ngoài không có tay nghề có thể làm việc như người giữ trẻ, quản gia, công nhân làm thuê, người làm vườn… “Nhiều người trở về từ Venezuela đã đến để hỏi về việc xử lý đơn xin thị thực. Họ đang cố gắng di cư một lần nữa” - ông Liu cho biết.

Venezuela chìm sâu trong khủng hoảng

Nền kinh tế Venezuela bắt đầu gặp khủng hoảng từ sau khi Tổng thống Hugo Chevez qua đời vào năm 2013, các chính sách của Tổng thống kế nhiệm Nicolas Maduro không khắc phục được các lỗ hổng quản lý và các món nợ tồn đọng ngày một nhiều. Từ một quốc gia được mệnh danh là cường quốc dầu mỏ, chiếm tới 95% doanh thu xuất khẩu của quốc gia, giá dầu của Venezuela bị sụt giảm nghiêm trọng ở mức dưới 50 USD/thùng.

Thất bại trong việc kiểm soát giá cả, thiếu ngoại tệ và giá dầu mỏ giảm sâu đã khiến Venezuela phải chật vật trong việc cung cấp hàng hóa và thực phẩm cho người dân. Tổng thống Nicolas Maduro ngày 4-8 đã chính thức thành lập Quốc hội lập hiến, cơ quan có quyền lực sửa đổi hiến pháp và giải thể Quốc hội, nhằm đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay. Tuy nhiên, phe đối lập lại xem cơ quan này là chiêu trò chính trị và chống đối kịch liệt. Xung đột và bạo lực giữa phe đối lập và phe ủng hộ chính phủ cũng ngày càng leo thang khiến hơn 120 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương kể từ tháng 4-2017.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm