Hỗn loạn nhân sự tại Nhà Trắng

Ngày 31-7 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đưa ra quyết định chấm dứt vai trò giám đốc truyền thông của ông Anthony Scaramucci, chỉ 10 ngày sau khi ông này được bổ nhiệm. Đây là sự thay đổi nhân sự cấp cao thứ năm bên trong Nhà Trắng cũng trong khung thời gian ngắn ngủi trên.

Khởi đầu ồn ào, kết thúc ê chề

Quyết định bổ nhiệm ông Anthony Scaramucci vào ghế giám đốc truyền thông vào ngày 21-7 của ông Trump đã khởi động một chuỗi các biến động nhân sự chóng mặt tại Nhà Trắng. Tay chơi tài chính người New York đến với Nhà Trắng đầy ồn ào với những tuyên bố rắn mặt như sẵn sàng sa thải toàn bộ đội ngũ truyền thông của ông Trump trong vòng hai tuần để chấm dứt tình trạng rò rỉ tin tức nội bộ. Ông công kích luôn cả hai nhân vật quyền lực trong Nhà Trắng là Trưởng cố vấn chiến lược Stephen K. Bannon và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus với những ngôn từ bỗ bã mà không ai ngờ tới.

Liên tiếp hai nhân vật then chốt trong đội ngũ truyền thông Nhà Trắng phải ra đi. Đầu tiên là Thư ký báo chí Sean Spicer xin từ chức vì không ủng hộ Scaramucci, theo The New York Times. Cấp phó của ông Spicer là Michael Short cũng bị đuổi việc ít ngày sau để mở đường cho chiến lược tái tổ chức bộ máy truyền thông Nhà Trắng.

 Không dừng lại ở đó, ông Trump ngày 29-7 cũng thay thế Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus bằng Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly, từng là tướng bốn sao của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Theo các nguồn tin của tờ Politico, ông Priebus thậm chí còn không được báo trước về quyết định của Tổng thống Trump. Chỉ đến khi ông mở tài khoản mạng xã hội Twitter thì mới vỡ lẽ mọi chuyện. Sự thay đổi này xảy ra chưa đầy một ngày sau khi những lời công kích của Scaramucci nhắm vào Priebus được tờ The New Yorker công bố. Không mang lại được chiến thắng đáng kể nào cho ông Trump về mặt chính sách quốc gia, sự ra đi của ông Reince Priebus thật ra đã được đồn đoán từ nhiều tháng trước.

Cả ba nhân vật cấp cao “bật bãi” khỏi Nhà Trắng đều là người không ủng hộ việc bổ nhiệm Scaramucci. Thế nhưng tay chơi mới đến từ New York cũng không trụ lại chính trường Washington được bao lâu. Gần bốn ngày sau khi các lời nói “tự nhiên quá mức” của mình được công bố, Scaramucci nối bước Priebus rời khỏi tòa nhà số 1600, đại lộ Pennsylvania. Thậm chí còn ê chề hơn các “nạn nhân” của mình, vị giám đốc “10 ngày” bị nhân viên an ninh hộ tống ra khỏi khuôn viên Nhà Trắng, theo The Independent.

Đồng minh thân thiết của Trưởng cố vấn chiến lược Stephen K. Bannon (trái) tại Nhà Trắng là ông Reince Priebus (phải) giờ đã mất việc. Ảnh: GETTY

Anthony Scaramucci chỉ giữ được chiếc ghế giám đốc truyền thông Nhà Trắng trong 10 ngày ngắn ngủi đầy biến động. Ảnh: AP

Sóng ngầm thêm căng thẳng

Trả lời họp báo ngày 31-7 (giờ Mỹ), tân Thư ký báo chí Sarah Huckabee Sanders từ chối xác nhận liệu ông Scaramucci bị sa thải hay chủ động từ chức. Bà chỉ cho biết cựu giám đốc truyền thông “cảm thấy việc tốt nhất nên làm là tạo một sự khởi đầu hoàn toàn mới mẻ cho Chánh văn phòng John Kelly để ông tự xây dựng đội ngũ mới”.

Tuy nhiên, theo tờ The New York Times, đích thân tướng Kelly đã yêu cầu Tổng thống Trump cho Scaramucci thôi việc vì không thể chấp nhận cách hành xử và phát ngôn thiếu kiềm chế của người này. Bà Sanders thừa nhận tổng thống Mỹ cũng nhận thấy các phát ngôn của Scaramucci có phần “bất nhã”. Bên cạnh đó, theo tờ The Guardian, sức ép từ phía cố vấn thân cận Stephen K. Bannon đã góp phần thuyết phục ông Trump loại nhân vật nhiều tai tiếng khỏi đội ngũ.

Những diễn biến chóng mặt trong thời gian qua bên trong Nhà Trắng cho thấy các toan tính giành sức ảnh hưởng giữa những nhóm cố vấn đang ngày một gay gắt. Theo The New York Times tiết lộ, việc bổ nhiệm ông Scaramucci ban đầu là do chính cô con gái Ivanka và chàng rể Jared Kushner của ông Trump thúc đẩy ủng hộ. Bước đi này đã khiến Priebus, từng được xem là một trong các đồng minh thân thiết nhất của Bannon trong nhóm cố vấn ủng hộ lập trường bảo thủ, giờ đây đã bị loại khỏi cuộc chơi. Dù vậy, có các tin đồn một nhân vật có lập trường bảo thủ khác là Jason Miller, cựu quản lý chiến dịch tranh cử và hiện là cố vấn không chính thức của ông Trump, sẽ sớm được bổ nhiệm vào chiếc ghế giám đốc truyền thông đang trống.

Mang “nhà binh” vào Nhà Trắng

Sự xuất hiện của vị tướng bốn sao John Kelly tại Nhà Trắng được kỳ vọng sẽ mang kỷ cương trở lại với tòa nhà quyền lực nhất nước Mỹ. Sarah Huckabee Sanders cho biết tại buổi họp báo mới nhất: “Tướng Kelly có toàn quyền điều hành công việc bên trong Nhà Trắng. Tất cả nhân viên sẽ báo cáo trực tiếp cho ông ấy. Tôi nghĩ tướng Kelly sẽ mang đến một cách tổ chức mới, kỷ luật và sức mạnh cho Nhà Trắng. Mọi người đều phấn khởi khi được làm việc với ông”. Theo tờ The New York Times, lần gần nhất một cựu tướng lĩnh quân đội Mỹ được bổ nhiệm làm “nhạc trưởng” Nhà Trắng là tướng Alexander Haig dưới thời cựu Tổng thống Richard M. Nixon.

Kể từ khi tuyên bố bổ nhiệm ông Kelly là chánh văn phòng Nhà Trắng, Tổng thống Trump cũng liên tục dành những ngôn từ bóng bẩy để ca ngợi vị tướng bốn sao. Ngày 31-7, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định ông Kelly sẽ “làm việc xuất sắc” và gọi ông là một con người “kỳ diệu”. “Tôi tin chắc chắn ông ấy sẽ là một chánh văn phòng siêu việt. Tôi dự đoán tướng Kelly sẽ được ghi nhận là một trong những chánh văn phòng vĩ đại nhất từ trước đến nay” - ông Trump khẳng định.

Phong thái “nhà binh” nhanh chóng được ông Kelly thể hiện rõ trong buổi họp ngày 31-7 với toàn thể nhân viên Nhà Trắng. Ông tuyên bố Tổng thống Trump đã giao cho ông nhiệm vụ thắt chặt kỷ luật làm việc, chấm dứt tình trạng liên lạc và quyết định hành động thiếu hiệu quả và lộn xộn dưới thời người tiền nhiệm. Mọi nhân viên trong Nhà Trắng, kể cả những nhân vật cấp cao như ông Bannon, cô Ivanka Trump hay con rể ông Trump là Jared Kushner nếu muốn đệ trình chính sách, đề xuất nhân sự hay đưa ra lời cố vấn đều phải thông qua ông.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát chính trị lo ngại phong cách “nhà binh” của ông Kelly và cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của đương kim tổng thống Mỹ sớm muộn cũng sẽ xảy ra va chạm. Tờ The New York Times nhắc lại rằng ông Trump cũng từng hứa hẹn với Reince Priebus được toàn quyền điều hành công việc của Nhà Trắng. Nhưng hơn sáu tháng qua, quyền tự quyết của người cựu chánh văn phòng cứ tan biến dần. Các quy trình tại Nhà Trắng được ông Priebus vạch ra liên tiếp bị ông Trump ngó lơ, tự làm những điều mình thích, tự gặp những người mình muốn. Đến những tuần cuối cùng tại nhiệm, ông Priebus thường xuyên phải đứng ngay trước cửa Phòng Bầu dục thì mới biết được Tổng thống Trump đang tiếp chuyện với ai, các nhân viên trong Nhà Trắng tiết lộ với tờ The New York Times.

Ông Trump: “Nhà Trắng không hỗn loạn”

Bất chấp biến động liên tiếp về nhân sự cấp cao bên trong tòa nhà quyền lực, người phát ngôn Nhà Trắng và ông Trump vẫn trấn an truyền thông rằng tình hình vẫn ổn thỏa.

Sáng 31-7, tổng thống Mỹ lại tiếp tục lên Twitter đăng tải một loạt tuyên bố về chỉ số kinh tế và việc làm của Mỹ, kèm theo đó là lời khẳng định: “Nhà Trắng không hỗn loạn!”. Vài giờ sau, khi Nhà Trắng đã công bố ông Scaramucci không còn là giám đốc truyền thông, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cũng đưa ra thông điệp tương tự tại buổi họp báo định kỳ, theo tờ Politico.

Ngày 1-8, ông Trump cũng thêm một lần nữa lên Twitter tuyên bố: “Nhà Trắng có một ngày tuyệt vời”, dù cho truyền thông Mỹ vẫn đang bàn luận rôm rả về những thay đổi nhân sự liên tiếp trong Nhà Trắng.

Trong 194 ngày giữ vị trí tổng thống Mỹ của ông Donald Trump, đã có 12 nhân vật quan trọng trong chính phủ Mỹ bị mất chức. Ông Scaramucci là người “lập kỷ lục” giữ ghế trong thời gian ngắn nhất với chỉ 10 ngày, sau đó là cựu quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates (11 ngày) và cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn (23 ngày). Người có thời gian giữ ghế lâu nhất trước khi mất chức là cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus với tổng cộng 189 ngày làm việc, theo The Guardian.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm