Giải mã quyền dùng bom hạt nhân của ông Trump

Trong bài phát biểu ngày 19-9 tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo Mỹ có thể “không còn sự lựa chọn nào khác ngoài hủy diệt toàn diện Triều Tiên” nếu như nước Mỹ “buộc phải bảo vệ bản thân và các đồng minh”. Giả sử phải lựa chọn biện pháp tấn công hạt nhân nhắm vào Triều Tiên, liệu nhà lãnh đạo Mỹ có thể một mình đưa ra lệnh tấn công hay không?

Mệnh lệnh được triển khai ra sao?

Theo chuyên gia ĐH Princeton, ông Bruce Blair, dựa trên điều 2 hiến pháp Mỹ xem tổng thống là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, quy trình chỉ huy của quân đội Mỹ trao cho tổng thống quyền lực tuyệt đối sử dụng vũ khí hạt nhân.

Một khi quyết định dùng vũ khí hạt nhân, Tổng thống Trump nếu thấy cần thiết sẽ thảo luận trước với các cố vấn cấp cao nhất như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford hoặc Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster. Nhân vật quan trọng nhất mà ông Trump cần trao đổi sau đó sẽ là chỉ huy các lực lượng chiến thuật của Mỹ tại Omaha, Nebraska. Các phương án tấn công khi đó sẽ được trình bày cụ thể cho tổng thống Mỹ lựa chọn.

Biện pháp tấn công hạt nhân được lựa chọn sẽ được chuyển đến trung tâm hành động khẩn cấp tại Lầu Năm Góc, còn được biết đến với biệt danh “Phòng chiến tranh”. Đây là lúc mà ông Trump sử dụng đến chiếc “cặp hạt nhân” Football nổi tiếng của các đời tổng thống Mỹ, đọc mật khẩu xác nhận danh tính và lệnh tấn công bằng mã “biscut”, còn gọi là “Mã Vàng”. Lệnh và mã phóng tên lửa hạt nhân chỉ trong vòng năm phút sau sẽ được Lầu Năm Góc gửi đến đơn vị được lựa chọn để triển khai biện pháp tấn công.

Theo ông Bruce Blair, hiện Mỹ có khoảng 400 cơ sở có khả năng phóng tên lửa hạt nhân từ mặt đất với mỗi cơ sở được trang bị sẵn một đầu đạn hạt nhân trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Đối với các cơ sở này, các “pháo thủ” sẽ chỉ mất đúng một phút để khai hỏa sau khi nhận mệnh lệnh. Còn đối với trường hợp ông Trump chọn tàu ngầm hạt nhân để phóng tên lửa, thủy thủ đoàn sẽ tốn đến khoảng 10 phút để triển khai mệnh lệnh vì quy trình chỉ huy trên tàu ngầm cần thêm một số bước xác minh mệnh lệnh khác.

Các đe dọa qua lại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khiến căng thẳng leo thang. Ảnh: AP

Một đầu đạn tên lửa hạt nhân Titan II. Ảnh: DPA

Quốc hội có đủ sức ngăn cản?

Theo hiến pháp, quốc hội là nhánh duy nhất của chính quyền Mỹ có quyền tuyên bố tình trạng chiến tranh, bao gồm cả chiến tranh hạt nhân, theo hãng tin NPR (Mỹ). Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker, thực tế quyền lực quân sự của tổng thống Mỹ phức tạp hơn thế. “Kể từ khi nước Mỹ có vũ khí hạt nhân, mọi tổng thống đều nắm quyền ra lệnh khai hỏa”. Còn theo tờ The Washington Post, Đạo luật Năng lượng hạt nhân năm 1946, được thông qua dưới thời Tổng thống Harry Truman, đã đặt hoàn toàn quyền sử dụng vũ khí hạt nhân vào tay các đời tổng thống và nhánh hành pháp Mỹ. Nghị sĩ Bob Corker tiết lộ ông cùng một số thành viên khác của Hạ viện đã bắt đầu cho nghiên cứu thay đổi vấn đề này.

Hãng tin NPR (Mỹ) cho biết sau bài phát biểu ngày 19-9 của Tổng thống Trump, nhiều nghị sĩ Mỹ đã bắt đầu bàn luận về việc tăng tiếng nói của Quốc hội trong trường hợp phát động chiến tranh. Quốc hội Mỹ vào năm 1973 đã thông qua nghị quyết về quyền lực chiến tranh, cho phép tổng thống được triển khai các lực lượng vũ trang trong tối đa 60 ngày mà không cần sự thông qua của Quốc hội, trang IBTimes cho biết. Kể từ sau khi tuyên bố chiến tranh và tham gia thế chiến thứ nhất năm 1941, Quốc hội Mỹ vẫn chưa lần nào chính thức tuyên bố chiến tranh, theo NPR.

Trước đó, vào tháng 2-2017, chỉ bốn ngày sau khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, hạ nghị sĩ Ed Markey của đảng Dân chủ đã đệ trình một dự thảo cấm quân đội Mỹ khai hỏa trước vũ khí hạt nhân mà không cần đến Hạ viện đưa ra tuyên bố chiến tranh. Trả lời hãng tin NPR, ông Markey nhận định: “Tổng thống càng đe dọa về việc hủy diệt toàn diện Triều Tiên thì Hạ viện càng phải nhanh chóng tranh luận thêm về quyền sử dụng vũ khí hạt nhân của tổng thống”.

Tuy nhiên, theo hãng tin NPR, một đạo luật yêu cầu tuyên bố chiến tranh mới được dùng vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ bị phủ quyết tại Nhà Trắng. Theo ông Peter Feaver, cựu nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, hệ thống chỉ huy tấn công hạt nhân được thiết kế để tổng thống và quân đội Mỹ có thể triển khai tấn công nhanh nhất, thậm chí chỉ trong vòng 30 phút. Việc Quốc hội Mỹ can dự vào quy trình chỉ huy này sẽ bị chỉ trích là làm nước Mỹ mất khả năng phản ứng nhanh trước các mối đe dọa, ông Feaver nhận định trên kênh truyền hình PBS.

Khó có thể trái lệnh

Vậy liệu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có khả năng từ chối thực thi mệnh lệnh tấn công hạt nhân của tổng thống hay không? Theo tờ The Washington Post, luật pháp và hiến pháp Mỹ vẫn còn mơ hồ về khía cạnh này. Các văn bản về quy trình chỉ huy tấn công hạt nhân của Mỹ không hé lộ quá chi tiết để tránh bị các đối thủ tận dụng. Tuy nhiên, kể cả khi trường hợp này xảy ra, tổng thống Mỹ vẫn có thể ra quyết định sa thải bộ trưởng Quốc phòng và sau đó yêu cầu người kế nhiệm thực thi mệnh lệnh, theo nhà sử học Mỹ Alex Wellerstein.

Ông Bruce Blair cũng cho biết hiện Mỹ vẫn duy trì quy tắc xin tham vấn từ NATO nếu muốn sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp một quốc gia thành viên NATO được yêu cầu khai hỏa vũ khí hạt nhân, quốc gia đó có thể được quyền “phủ quyết” và từ chối sử dụng. Chẳng hạn, vũ khí hạt nhân được triển khai từ một căn cứ tại Đức hoặc được thả từ máy bay Đức, chính quyền Berlin có thể ngó lơ mệnh lệnh.

Biện pháp duy nhất để cản quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân của tổng thống Mỹ là sử dụng khoản 4 trong Tu chính án thứ 25 của hiến pháp Mỹ, ông Bruce Blair nhận định. Điều khoản này cho phép phó tổng thống Mỹ cùng đại đa số lãnh đạo nội các hoặc Hạ viện tuyên bố tổng thống không còn phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ của mình. Tuyên bố và các lý do sẽ được gửi đến Thượng viện và Hạ viện Mỹ và nếu được thông qua thì phó tổng thống sẽ được bổ nhiệm khẩn cấp thay thế tổng thống. Trong lịch sử Mỹ, điều khoản này chưa bao giờ được dùng đến.

Trả lời hãng tin DW (Đức), ông Bruce Blair cho rằng khó có khả năng các tướng lĩnh hay “pháo thủ” làm trái mệnh lệnh của Tổng thống Donald Trump dù cho không đồng ý với quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo học giả của ĐH Princeton, các tướng lĩnh sẽ có quyền tư vấn tổng thống Mỹ rằng quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân là sai lầm. Tuy nhiên, quy trình chỉ huy sẽ buộc các tướng lĩnh phải chấp hành mệnh lệnh cuối cùng của tổng thống.

“Dựa trên các thảo luận của tôi với người trong quân đội, những người có khả năng tham gia vào kịch bản này, họ sẽ đưa ra lời khuyên tốt nhất nhưng sau đó sẽ thực thi mệnh lệnh của tổng thống, bất kể mệnh lệnh đó được xem là sai lầm, thiếu thông tin hoặc vi phạm luật chiến tranh. Hệ thống được xây dựng rất vững chắc để buộc quân đội chấp nhận và thực thi các mong muốn của tổng thống” - ông Bruce Blair nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm