Sự cố hàng không liên tiếp: Đặt tính mạng dân lên hàng đầu

Tại buổi họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định các sự cố hàng không vừa qua nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội. Thủ tướng đã giao Bộ GTVT và các cơ quan liên quan phải đảm bảo an toàn hàng không, đặc biệt trong dịp cao điểm vận tải Tết. Do đó, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp với mục đích đánh giá sơ bộ nguyên nhân các sự cố ảnh hưởng dư luận xã hội để rút ra bài học kinh nghiệm.

Cần rút bài học kinh nghiệm

Đánh giá nguyên nhân sự cố máy bay VietJet hạ nhầm đường băng Cam Ranh (Khánh Hòa) ngày 25-12, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không (CHK) Việt Nam, cho biết việc này xuất phát từ quá trình máy bay quay lại hạ cánh tại Cam Ranh do có cảnh báo mất áp suất thủy lực của càng trước. 

Trong quá trình hạ cánh, lái chính (người Philippines) quá chú trọng tới tình trạng càng, trong khi lái phụ (người Việt) đang thực hiện thao tác thả càng. Vì vậy lái chính mất tập trung, lệch hướng hạ cánh khi tiếp cận đường băng. Cơ trưởng cho biết lúc đó thấy đường băng bên cạnh cũng rộng rãi nên hạ xuống.

Nhận định về vấn đề trên, ông Thể yêu cầu CHK tổng kiểm tra lại lực lượng phi công, nhất là phi công nước ngoài. “Có thể họ không hiểu địa hình Việt Nam nên cách xử lý của phi công có vấn đề. Cả hai sự cố hạ cánh nhầm đường băng tại Cam Ranh đều do phi công nước ngoài điều khiển. Đồng thời phải xem xét lại địa hình sân bay Cam Ranh” - ông Thể nói và yêu cầu CHK phải kiểm tra chế độ làm việc của phi công, thời gian nghỉ ngơi.

Nhận định an toàn hàng không là rất quan trọng, Bộ trưởng yêu cầu cần phải kiểm tra các công đoạn trước khi cất cánh một cách thận trọng, không vội vàng, lấy an toàn là trên hết. “Phải đặt tính mạng người dân lên hàng đầu…” - ông Thể nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Thể yêu cầu CHK kiểm tra, rà soát lại thời gian quay đầu, vận hành máy bay, nếu không đảm bảo an toàn thì không cấp phép bay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải đặt tính mạng người dân lên hàng đầu trong an toàn hàng không. Ảnh: VIẾT LONG

Hãng VietJet nói gì?

Cũng trong ngày 27-12, hãng hàng không VietJet có báo cáo gửi Bộ GTVT về hệ thống khai thác, quản lý an toàn chất lượng và các nội dung liên quan tới việc xử lý sau sự cố hàng không. 

Theo đó, hãng này khẳng định đã tổ chức bộ máy quản lý an toàn - chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và phê chuẩn của CHK Việt Nam. Nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của nhà sản xuất máy bay Airbus và động cơ Cfm trong quá trình xây dựng và quản lý hệ thống an toàn - chất lượng. Bên cạnh đó hãng còn chịu sự giám sát, thẩm định của các tổ chức giám định quốc tế, các tập đoàn bảo hiểm.

Báo cáo của VietJet cho rằng hãng luôn thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của CHK Việt Nam và thông lệ quốc tế. Công tác an toàn được thực hiện định kỳ hằng tháng, quý và năm. Tham gia trao đổi định kỳ về công tác an toàn hàng không với tổ chức Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương.

Về công tác an ninh an toàn liên quan hai sự cố mới đây, hãng này đánh giá: Về sự cố chuyến bay VJ356 ngày 29-11 tại Buôn Ma Thuột, tổng giám đốc VietJet đã ký quyết định thành lập tổ điều tra và khắc phục sự cố (ngày 3-12), trong đó phân công nhiệm vụ và quy định trách nhiệm của từng bộ phận có liên quan. Công ty cũng đã cử đại diện phối hợp với tổ điều tra của CHK Việt Nam và nhà chế tạo Airbus để hỗ trợ kỹ thuật và tham gia công tác điều tra, thu thập thông tin hiện trường, bàn giao hộp đen, phân tích dữ liệu ban đầu.

Về việc đáp nhầm đường băng của chuyến bay VJ689, chặng Cam Ranh - TP.HCM ngày 25-12, hãng này cho biết đã thực hiện báo cáo sự cố cho CHK Việt Nam, đình chỉ khai thác đối với người lái và người phụ trách khai thác bay để phục vụ công tác điều tra. Công ty đã thành lập tổ điều tra nội bộ, thu thập các hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác điều tra.

Lập đoàn kiểm tra VietJet

Ngày 27-12, CHK Việt Nam cho biết đã lập bảy đoàn kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với hãng hàng không VietJet.

Theo đó, các đoàn kiểm tra sẽ tập trung kiểm tra máy bay tại sân, kiểm tra trên chuyến bay; kiểm tra công tác chuẩn bị chuyến bay, lập kế hoạch bay; công tác phục vụ mặt đất; công tác đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ khai thác, bảo dưỡng máy bay; kiểm tra công tác đảm bảo vật tư, khí tài; việc tổ chức và thực hiện bảo dưỡng ngoại trường; kiểm tra công tác huấn luyện người lái máy bay và kiểm tra an toàn khai thác trên chuyến bay. Việc kiểm tra được thực hiện từ 28-12-2018 đến 15-1-2019. 

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng CHK Việt Nam, cho biết sau ngày 15-1, nếu VietJet đáp ứng được toàn bộ yêu cầu, đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn, việc kiểm tra sẽ được dỡ bỏ. Trường hợp ngược lại, CHK Việt Nam sẽ chuyển sang giám sát đặc biệt giai đoạn 2.

P.ĐIỀN

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm