Doanh nghiệp được lợi gì khi bảo vệ môi trường?

Tọa đàm này do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức sáng 19-4.

Trả lời câu hỏi trên tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), khẳng định bảo vệ TN&MT là trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) và nếu thực hiện tốt thì sẽ đem lại lợi ích dài lâu cho chính DN đó.

Ông Đồng phân tích: “Trước hết việc DN tham gia đầu tư vào bảo vệ môi trường (BVMT) sẽ góp phần tạo ra sự tin tưởng của xã hội và người tiêu dùng đối với chính DN, chính những sản phẩm của DN làm ra. Do vậy, hình ảnh và thương hiệu của DN sẽ được nâng lên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm sẽ bền vững hơn”.

Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT.

Theo ông Đồng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thì BVMT tốt sẽ là một trong những điều kiện, tiêu chuẩn để các DN xâm nhập thị trường thế giới. Ngoài ra, khi thực hiện các nghĩa vụ về BVMT sẽ góp phần giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất của DN. “Trong ngắn hạn nếu các DN đầu tư, chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất theo hướng góp phần BVMT có thể sẽ làm cho chi phí sản xuất của DN tăng lên nhưng trong dài hạn thì sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất thông qua giảm sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu, giảm các chi phí liên quan đến pháp lý BVMT, chi phí khắc phục sự cố môi trường, tạo ra không gian làm việc hiệu quả cho người lao động” - ông Đồng nhấn mạnh.

Cũng tại cuộc tọa đàm, đại diện Bộ TN&MT cho hay vấn đề môi trường là áp lực lớn đối với Việt Nam. Cụ thể, mỗi ngày cả nước phát sinh hơn 3 triệu m3 nước thải sinh hoạt, 550.000 m3 nước thải công nghiệp, 125.000 m3 nước thải y tế. Hằng năm phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, hơn 17.000 tấn chất thải y tế nguy hại. Mỗi năm sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, trong đó có 80% sử dụng sai mục đích, không đúng kỹ thuật, 50%-70% không được cây trồng hấp thụ, thải ra môi trường; phát sinh 76 triệu tấn rơm rạ, 85-90 triệu tấn chất thải chăn nuôi, 80 triệu tấn khí thải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm