Làng nghề Củ Chi ách tắc 13 năm vì quy hoạch thay đổi

Thanh tra TP.HCM vừa có kết luận thanh tra toàn diện dự án Khu làng nghề cá cảnh, hoa lan, cây kiểng tại xã Trung An (huyện Củ Chi), do Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản Hà Quang làm chủ đầu tư (CĐT) vào năm 2004.

Dự án kéo dài 13 năm nay không triển khai, nguyên nhân được cho là do quy hoạch điều chỉnh dẫn đến dự án bị vướng.

Quy hoạch duyệt gấp 3-5 lần dự kiến

Năm 2004, UBND TP chấp thuận cho HTX Hà Quang làm CĐT dự án Khu làng nghề cá cảnh, hoa lan, cây kiểng trên phần đất 34,6 ha tại xã Trung An. Năm 2007-2009, theo các kết luận và thông báo của UBND huyện Củ Chi, dự án này có khu dân cư nhà ở kết hợp ao vườn với diện tích mỗi lô 900-1.000 m2 (trong đó khoảng 250 m2 đất xây dựng nhà, còn lại làm ao vườn).

Tuy nhiên, sau đó, theo thẩm định của Sở Quy hoạch-Kiến trúc thì diện tích đất tối thiểu của mỗi lô phải là 3.000-5.000 m2. Cho rằng có thể xảy ra phân lô tách thửa bán nền với diện tích nhỏ tại dự án, UBND TP yêu cầu “UBND huyện Củ Chi không phân quy hoạch thành các lô thửa nhỏ làm nhà ở”.

Năm 2009, TP tiếp tục có kết luận cho phép HTX Hà Quang được đầu tư với “diện tích tối thiểu từng lô phải trên 3.000 m2 để tổ chức sản xuất nông nghiệp, không được xây dựng biệt thự để kinh doanh bất động sản kiểu phân lô bán nền”.

Đến năm 2014, theo chỉ đạo của TP và ý kiến các sở, ngành liên quan, UBND huyện Củ Chi phê duyệt quy hoạch 1/500 của dự án, tiếp tục khẳng định mỗi lô có diện tích 3.000-4.800 m2. Trong đó có một phần được xây dựng nhà ở là 300 m2/lô (mục đích làm nơi trông giữ, các hoạt động phụ trợ cho canh tác sản xuất, khai thác dịch vụ và kết hợp du lịch sinh thái).

Hai năm sau, TP có văn bản xác định chức năng ở của dự án chỉ nhằm phục vụ các hộ xã viên làm nơi sinh hoạt trông giữ canh tác nông nghiệp, không phải là dự án nhà ở.

Khung cảnh hoang tàn ở khu nhà mẫu được Hà Quang xây dựng trên diện tích quy hoạch 1.000 m2 của dự án làng nghề sinh vật cảnh. Ảnh: NV

Hàng trăm xã viên yêu cầu rút vốn

Thanh tra TP cho hay dự án trên kéo dài 13 năm nay chưa thực hiện được thủ tục đầu tư. Việc chậm triển khai do nhiều nguyên nhân nhưng “chủ yếu là do HTX Hà Quang gặp khó khăn về tài chính do phải giải quyết rút vốn cho hàng trăm xã viên không muốn tiếp tục tham gia sau khi có sự thay đổi về cơ cấu sử dụng đất và chức năng khu vực theo quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền”.

Trên thực tế, sau khi được TP chấp thuận chủ trương cho đầu tư dự án vào năm 2004 và UBND huyện Củ Chi thông báo về quy hoạch của dự án này, HTX Hà Quang đã huy động vốn từ 606 cá nhân với tổng số tiền 135,8 tỉ đồng. Theo hợp đồng, số tiền góp vốn tương ứng với số diện tích đất được giao cho các cá nhân, tối thiểu 1.000 m2/lô. CĐT cam kết chuyển mục đích từ 250 m2 đất vườn sang thổ cư để xây nhà ở theo thiết kế của dự án. Theo thống kê, đa số các cá nhân đã góp 30%-50% giá trị hợp đồng, một số người góp 70%-80%.

Vướng mắc phát sinh khi TP thay đổi quy hoạch (tăng diện tích mỗi lô thành 3.000-5.000 m2) nên nhiều cá nhân sau đó rút vốn. “Nhiều trường hợp yêu cầu trả lại vốn góp nhưng không được giải quyết nên đã gửi đơn đến các cơ quan để kiến nghị, khiếu nại. Họ cho hay không có khả năng để tham gia đầu tư 3.000 m2 đất theo quy hoạch được duyệt mà chỉ có thể đầu tư 1.000 m2 như hợp đồng đã ký ban đầu với HTX Hà Quang” - Thanh tra TP.HCM cho hay.

Xin giảm diện tích vì không kham nổi

Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, HTX Hà Quang ký hợp đồng góp vốn là phù hợp với quy định tại Luật HTX. “Tuy vậy, việc ký với quá nhiều người cùng lúc dưới danh nghĩa xã viên nhưng không đánh giá năng lực tham gia làng nghề dẫn đến có hiện tượng sang nhượng phần góp vốn kiếm lời, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận”.

Ngoài ra, nội dung hợp đồng còn có điều khoản chuyển mục đích, giao đất và cấp giấy chứng nhận cho người góp vốn là chưa phù hợp vì HTX chưa được phê duyệt dự án đầu tư. Theo Thanh tra TP, trách nhiệm này thuộc về ban quản trị và chủ nhiệm HTX Hà Quang từng thời kỳ.

Mặt khác, tại kết luận trình UBND TP, Thanh tra TP cho hay hiện nay xã viên và các thành viên góp vốn cùng có nguyện vọng được nhận đất để sản xuất theo khả năng tài chính của mình (1.000 m2) và mong muốn được tiếp tục thực hiện dự án.

“Đây là nguyện vọng chính đáng, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể theo mô hình HTX, về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kỹ thuật cao nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất xã viên nên cần được UBND TP tiếp tục cân nhắc xem xét” - Thanh tra TP đề nghị.

Thanh tra TP cũng đề nghị HTX Hà Quang phải thông báo công khai và giải quyết dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại của các thành viên góp vốn. Ngoài ra, HTX Hà Quang phải khẩn trương liên hệ Sở KH&ĐT để được hướng dẫn lập dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trong 12 tháng và giãn tiến độ không quá 24 tháng.

“Sau thời gian trên mà HTX Hà Quang không triển khai thực hiện được để hoàn thành dự án thì TP xem xét, chỉ đạo chấm dứt hoạt động của dự án” - Thanh tra TP kiến nghị.

Huyện Củ Chi đồng tình phương án mỗi lô chỉ 1.000 m2

Quan điểm từ đầu của huyện Củ Chi đối với dự án làng nghề cá cảnh, cây kiểng của HTX Hà Quang là mỗi lô 1.000 m2. Tuy nhiên, theo ý kiến các sở, ngành và TP, khi quy hoạch được phê duyệt chính thức thì diện tích mỗi lô tăng lên 3.000-5.000 m2. Trong những buổi họp, CĐT đều cho rằng đây là lý do khiến dự án gặp khó khăn kéo dài nhiều năm nay, các xã viên khiếu nại đòi rút vốn. Hiện nay dự án này gần như đang bị bỏ hoang, một số nhà mẫu đã dựng không được bảo dưỡng rất lãng phí.

Về kiến nghị điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm diện tích các lô đất còn 1.000 m2 thì đây là ý kiến thống nhất của các thành viên trong tổ công tác tham gia xử lý vụ việc này. Phía Củ Chi cho rằng diện tích này phù hợp thực tế và các quy định về tách thửa đất nông nghiệp hiện hành. Giải pháp này tháo gỡ khó khăn cho dự án nhiều năm nay đóng băng chưa làm được gì.

Ông NGUYỄN VĂN VỮNG, Phó Trưởng phòng TN&MT
huyện Củ Chi, TP.HCM

HTX Hà Quang mong được tạo điều kiện phát triển

Dự án làng nghề cá cảnh, cây kiểng xuất phát từ chủ trương của huyện Củ Chi và chúng tôi tham gia. Theo quy hoạch ban đầu mỗi lô đất là 1.000 m2, trong đó 750 m2 dành trồng lan cao cấp và ao nuôi cá cảnh. Còn lại 250 m2 làm nhà ở, nghỉ dưỡng cho khách du lịch. Mô hình này quá đẹp và nếu không bị kéo dài do sự thay đổi quy hoạch của Nhà nước thì đến nay TP đã có một làng du lịch đẹp, độc đáo, thu hút du khách, nâng cao đời sống người dân. 

Việc đổi quy hoạch từ 1.000 m2/lô thành 3.000-5.000 m2 khiến chi phí đầu tư tăng lên rất nhiều, nhiều người không thể kham nổi. Dự án kéo dài 13 năm nay khiến nhiều người tham gia bất mãn và đòi rút vốn khiến HTX càng khó khăn. Đó không phải lỗi của CĐT nhưng nhiều người không hiểu sẽ nhìn nhận khác.

Về việc xây dựng nhà ở tại khu làng nghề, chúng tôi xác định làng nghề thì phải có công trình trông giữ, có người ở. Vậy không gọi công trình là nhà, không cho xây nhà thì nó là công trình gì? Hơn nữa, việc xây nhà ở tại một huyện vùng sâu xa, mật độ xây dựng rất thấp (chỉ 25% mỗi lô) thì có gì sai?

Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho dự án để góp phần giãn dân về huyện ngoại thành, thu hút du khách, phát triển kinh tế. Về pháp lý, HTX Hà Quang cũng có chức năng kinh doanh bất động sản. Còn nếu vẫn bị lấn cấn thì HTX sẽ chuyển đổi thành công ty cổ phần cũng không có gì khó khăn. 

Tôi rất mong lãnh đạo TP.HCM xem xét thấu lý đạt tình, giải quyết các vướng mắc cho dự án. Nếu việc điều chỉnh quy hoạch được thông qua, tôi cam đoan dự án sẽ được triển khai và hoàn thành trong thời gian sớm nhất. 

Ông Nguyễn Văn Kim Nhung,Giám đốc HTX Hà Quang

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm