'Xem xét thu bằng lái vĩnh viễn tài xế gây tai nạn'

“Trong năm 2019, Bộ GTVT đặt mục tiêu thực hiện đúng tiến độ hai dự án trọng điểm quốc gia là cao tốc Bắc-Nam và Cảng hàng không quốc tế Long Thành; tiếp tục tham mưu Chính phủ đưa ra những giải pháp ổn định các dự án BOT, đồng thời tập trung công tác an toàn giao thông với nguyên tắc đặt tính mạng người dân lên trên hết”. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí về triển khai nhiệm vụ của ngành giao thông năm 2019.

Ràng buộc trách nhiệm doanh nghiệp với tài xế

. Phóng viên: Thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ nghiêm trọng khiến xã hội hết sức lo lắng. Bộ GTVT có những giải pháp gì để kéo giảm tình trạng này?

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

+ Ông Nguyễn Văn Thể: Năm 2018, số vụ và người bị thương do TNGT đều giảm theo mục tiêu đề ra (giảm 5%-10%) nhưng việc giảm số người chết là chưa đạt. Nguyên nhân về TNGT có nhiều lý do nhưng rõ ràng là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận tài xế chưa tốt. Cụ thể, tài xế không chấp hành hiệu lệnh, uống rượu bia, sử dụng ma túy… Đa số các vụ tai nạn vừa qua đều có liên quan đến tài xế.

Nên sắp tới tôi sẽ chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ nghiên cứu, đưa ra quy định mới có tính ràng buộc trách nhiệm chủ doanh nghiệp với tài xế. Đối với tài xế để xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng có thể xem xét thu hồi bằng lái vĩnh viễn.

. Nhiều tuyến đường mới sửa đã xuống cấp, gần 16.000 km đường quá hạn sửa chữa định kỳ, hàng ngàn điểm giao cắt đường sắt với đường bộ không bảo đảm... Trên những tuyến đường này TNGT cũng đang rình rập, thưa ông?

+ Bộ GTVT thừa nhận hiện nay hạ tầng giao thông còn yếu kém. Công tác duy tu, sửa chữa chưa đảm bảo, kịp thời. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí. Theo quy định, đường năm năm phải trùng tu, 10 năm đại tu nhưng với quy trình hiện nay, kinh phí duy tu rất thấp, chỉ đáp ứng hơn 30% nhu cầu. Tôi thấy nếu kéo dài tình trạng trên đường sẽ hư hỏng nặng, tai nạn diễn biến phức tạp. Vì vậy, tôi chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng đề án xác định nhu cầu vốn, công tác bảo trì quốc lộ đến năm 2030 nhằm duy tu, sửa chữa kịp thời.

Về đường sắt, hiện còn 5.719 điểm giao cắt. Trong đó, 1.500 điểm giao cắt ô tô qua được, số còn lại là xe hai bánh và người đi bộ nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Vì vậy tôi cũng đang chỉ đạo ngành đường sắt hoàn thành đề án, trong đó có thể làm cầu vượt, đường tránh, đường gom, cần chắn tự động… với kinh phí hơn 7.000 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành đề án, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ để thực hiện.

. Các sự cố hàng không vừa qua cũng xảy ra dồn dập khiến hành khách thót tim, nguyên nhân do đâu và ngành có giải pháp gì ngăn chặn?

+ Riêng hàng không, theo tôi, nguyên nhân mất an ninh an toàn hàng không có hai nhóm. Nhóm thứ nhất liên quan chất lượng kỹ thuật máy bay. Vấn đề này Bộ GTVT đang tập trung làm việc với các cán bộ cao cấp, làm sao tất cả cán bộ phải làm việc bằng cái tâm, trách nhiệm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho máy bay cất, hạ cánh.

Nhóm thứ hai là phi công. Vấn đề này sắp tới sẽ tăng cường kiểm tra đối với các phi công có vấn đề chuyên môn. Qua các sự cố vừa qua, tôi giao Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), hãng sản xuất máy bay để xem nguyên nhân là do chất lượng kỹ thuật hay phi công. Tới đây tôi sẽ chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát chặt hơn, xử lý vi phạm liên quan đến tổ lái, cơ quan quản lý bay, cảng hàng không, các hãng bay liên quan. Xử lý phải nghiêm, đó là cách để răn đe.

Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra ở huyện Bến Lức, Long An chiều 2-1 vừa qua. Ảnh: CTV

“Trạm BOT, tôi xin tiếp thu ý kiến người dân”

. Với những dự án BOT hiện hành, trong đó có một số bị tài xế phản ứng. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

+ Phải khẳng định rằng tất cả trạm BOT hiện nay đang vận hành và sắp tới vận hành được thực hiện đúng Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị định 108 của Chính phủ. Trong quá trình đầu tư, xây dựng không chỉ riêng Bộ GTVT mà các bộ, ngành, địa phương đều có ý kiến và giám sát chặt chẽ.

Trong quá trình làm, đối với các dự án riêng lẻ thì không sao nhưng tôi thấy một số vùng tập trung nhiều trạm BOT dẫn đến chi phí tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, cái này trước đó không lường được. Do đó, thời gian vừa qua dự án BOT có nhiều luồng ý kiến. Với trách nhiệm của mình, tôi xin tiếp thu mọi ý kiến của người dân, doanh nghiệp, tài xế.

. Bộ GTVT sẽ đưa ra những giải pháp gì để đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp?

+ Hiện Bộ GTVT không có quyền dời trạm BOT mà tham mưu, báo cáo với Chính phủ. Những trạm BOT có phản ứng nhiều, Bộ GTVT đều có đưa ra các phương án, giải pháp giải quyết. Tuy nhiên, để khắc phục hạn chế này cần một khoản kinh phí lớn để mua lại trạm. Nên vấn đề này không chỉ Bộ GTVT, Chính phủ quyết được mà phải báo cáo Quốc hội.Tuy nhiên, ngân sách năm năm đã phân bổ gần hết từ năm 2016. Nếu có thể sử dụng ngân sách để giải quyết, cá nhân tôi hy vọng có thể bố trí vốn nhiệm kỳ sau (2021 -2025).

Với nguồn ngân sách đang khó khăn, vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt xử lý, giải quyết các dự án BOT. Trong đó Bộ GTVT rà soát, miễn giảm phí cho người dân, doanh nghiệp. Vừa qua đã có nhiều dự án ban đầu thu phí thấp nhất 35.000 đồng nhưng sau giảm xuống mức tối đa 15.000 đồng.

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Năm 2019, tập trung hai dự án trọng điểm quốc gia

Năm 2018, Bộ GTVT đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 11/11 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc-Nam (giai đoạn 1), trong đó có ba dự án đầu tư công và tám dự án đầu tư theo hình thức PPP. Bộ GTVT cố gắng trong năm 2019 giải ngân khoảng 7.000/15.000 tỉ đồng (gần 50%) ngân sách chi cho công tác giải phóng mặt bằng. Như vậy với ba dự án đầu tư công, Bộ GTVT sẽ tiến hành khởi công trong năm 2019. Còn tám dự án đầu tư theo hình thức PPP, cố gắng tháng 9-2019 hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư. Từ tháng 9 đến cuối năm tổ chức đấu thầu. Sau đó tập trung thi công trong hai năm 2020-2021.

Với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu quốc tế lập dự án tổng thể giai đoạn 1 cho sân bay. Đến tháng 6-2018, ký hợp đồng chính thức lập dự án với liên danh năm nhà thầu trong nước và quốc tế. Hiện chúng tôi đã nghe báo cáo kỳ đầu và tiếp đến là báo cáo kỳ cuối. Như vậy, yêu cầu được đặt ra cho hai dự án trên là đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Vừa qua Quốc hội, người dân, báo chí có nhiều ý kiến liên quan đến chất lượng công trình giao thông, chất lượng mặt đường, an toàn giao thông… Sự đánh giá của Quốc hội, người dân tôi tiếp thu, lắng nghe. Biểu quyết của Quốc hội về phiếu tín nhiệm vừa qua cũng là bài học cho bản thân tôi. Để tôi cũng như anh em trong ngành thấy rằng ngành giao thông còn rất nhiều việc cần phải làm.

Bộ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN VĂN THỂ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm