Grab nói bị Khánh Hòa đối xử bất bình đẳng

Liên quan đến thông tin về việc UBND và Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tạm dừng thí điểm dịch vụ GrabCar trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ngày 15-8, đại diện Công ty TNHH Grab khẳng định đang nghiêm túc tuân thủ pháp luật trong quá trình thực hiện triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử (GrabCar) theo Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT. Cụ thể, triển khai dịch vụ trên tại năm tỉnh, TP, trong đó có Khánh Hòa.

Grab cho rằng tỉnh Khánh Hòa ưu ái cho một số doanh nghiệp, triệt tiêu sự cạnh tranh bình đẳng. Ảnh: VIẾT LONG

Theo Grab, đơn vị này có văn bản xin được hướng dẫn để công ty triển khai thực hiện thí điểm theo đúng quy định, trên cơ sở hướng đến lợi ích tốt nhất của người dân. Tuy nhiên, sau chín lần gửi văn bản và làm việc với UBND, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, đến nay đơn vị chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào từ cơ quan chức năng.

Grab khẳng định luôn chủ động làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa nhưng cảm thấy có sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực cung cấp phần mềm hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Cụ thể, Công văn 2222/2017 của Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa có nêu tháng 4-2017 sẽ cho dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Công ty TNHH Grab trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để tập trung cho hai đơn vị thí điểm khác là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty Cổ phần SUN Taxi với số lượng xe thực hiện là 100 xe. Đồng thời, công văn cũng kiến nghị không bổ sung các doanh nghiệp thực hiện đề án thí điểm.

Tuy nhiên, đến ngày 10-11-2017, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa lại thống nhất cho phép Công ty Cổ phần Khai thác bến xe và dịch vụ vận tải tỉnh Khánh Hòa thực hiện việc thí điểm trên.

“Việc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa kiến nghị dừng hoạt động của GrabCar, sau đó lại cho phép doanh nghiệp khác thực hiện thí điểm tại địa phương đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ hoạt động quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Sự việc đi ngược lại tinh thần “đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận nguồn lực... và đầu tư kinh doanh" của Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020…” - Grab nhấn mạnh.

Đơn vị này cũng cho rằng việc UBND và Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tạm dừng thí điểm dịch vụ GrabCar trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ tạo ra những hậu quả khó lường. Cụ thể, các tài xế bị tước mất cơ hội việc làm và cơ hội cải thiện cuộc sống. Các đối tác vận tải phải chịu cảnh sụt giảm doanh thu, khách hàng mất đi một sự lựa chọn di chuyển đáng tin cậy, tỉnh cũng mất đi một khoản thuế hợp lý cho địa phương.

“Hiện Grab vẫn đang làm việc tích cực với UBND và Sở GTVT tỉnhvKhánh Hòa để giải thích và xin hướng dẫn cụ thể trên cơ sở triển khai thực tiễn…” - đại diện Grab thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm