Giải mã việc hoãn làm 2 cầu Cần Giờ và Cát Lái

Từ nhiều năm qua TP.HCM muốn sớm xây cầu Cát Lái (nối quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ) để thay cho hai phà đã có từ hàng chục năm qua. Mới đây, nguồn tin từ các cơ quan chức năng cho biết các cơ quan đang thận trọng xem xét về mặt thời gian, nguồn vốn, quỹ đất, phương thức xây dựng nên khả năng đến sau năm 2030 mới làm hai cầu này.

Đã có cầu Bình Khánh

Từ năm 2015, Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã triển khai xây dựng cầu Bình Khánh vượt sông Soài Rạp tại vị trí cuối đường Nguyễn Hữu Thọ (đường trục Bắc-Nam) nối vào đường Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè. Cây cầu mang tên Bình Khánh này là dự án hợp phần của tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành và nó sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2019. Theo thiết kế, tại khu vực cuối đường Nguyễn Hữu Thọ-Nguyễn Văn Tạo sẽ có hệ thống cầu vượt - nút giao kết nối với tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành.

Cạnh đó, theo dự tính khi tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành đi vào khai thác từ cuối năm 2019 đầu 2020 thì tại đoạn vượt trên đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ hiện hữu sẽ mở các nhánh lên xuống để kết nối giữa tuyến cao tốc và đường Rừng Sác. Như vậy, khi đó từ nội đô TP.HCM đi theo đường trục Bắc-Nam đã có hệ thống cầu-đường liên hoàn nối thông sang huyện Cần Giờ. “Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc các cơ quan chuyên môn của TP.HCM thận trọng nghiên cứu có nên làm cầu Cần Giờ gần vị trí phà hiện hữu trước năm 2025-2030 hay không” - một lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết.

Cầu Bình Khánh trên cao tốc Bến Lức-Long Thành đang xây dựng. Đến nay cầu đã đạt 50% khối lượng, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ thông xe. Ảnh: LƯU ĐỨC

Một nguyên nhân khác là hiện TP đang xem xét lại chủ trương, phương thức đầu tư cầu, đường theo hình thức BOT, BT. Trong khi đó, liên doanh đưa ra dự án này dự tính khoản hoàn vốn xây dựng sẽ là khai thác 520 ha đất, bãi biển ở huyện Cần Giờ.

Ngoài ra, theo dự án cầu Cần Giờ có chiều dài hơn 3,8 km, cao 55 m, vậy khi tiếp đất trên đường Rừng Sác sẽ “đụng” ngay nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành - đường Rừng Sác như nêu trên. Nút giao này cách bến phà hiện hữu hơn 1 km. Vậy cầu Cần Giờ không thể tiếp đất trước nút giao trên mà phải vượt lên trên nút giao cao tốc rồi mới tiếp đất được. “Như vậy toàn cầu sẽ dài ra, đi cao vượt trên đường cao tốc và kéo theo kinh phí sẽ tăng lên chứ không phải là 5.300 tỉ đồng như liên doanh Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam - Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ dự tính” - một vị chuyên gia tư vấn xây dựng cầu đường nói. Còn thông tin từ Sở GTVT TP cho biết đến nay liên doanh của dự án trên vẫn chưa đưa ra được phương án giải quyết nút giao trên nên chưa thể triển khai xây dựng sớm.

Cầu Cát Lái: “Bất ngờ” khuyết nhà đầu tư

Từ cuối năm 2016, có hai đơn vị đưa ra phương án xây dựng cầu Cát Lái là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 194 và Liên danh nhà đầu tư Thái Sơn - Cienco1 - Đức Bình - Cái Mép. Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 194 đưa ra hai phương án xây dựng cầu thay phà Cát Lái với các mức đầu tư là 5.717 tỉ đồng và 4.447 tỉ đồng. Còn Liên danh nhà đầu tư Thái Sơn - Cienco1 - Đức Bình - Cái Mép lại đưa ra phương án xây dựng cầu Cát Lái theo hình thức BOT kết hợp BT. Đến đầu năm 2018, TP.HCM vẫn chưa “chốt” phương án chọn một trong hai nhà đầu tư cầu Cát Lái hoặc đấu thầu thì “đùng một cái” ông Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc), tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn (Công ty Thái Sơn), bị bắt. Vụ việc bất ngờ này khiến TP đành hoãn việc lựa chọn nhà thầu xây cầu Cát Lái.

Mới đây, nguồn tin từ Sở GTVT TP cho biết đến nay sở này vẫn chưa nhận được thông tin từ Công ty Thái Sơn là có tiếp tục theo đuổi dự án xây cầu Cát Lái không. “Trong trường hợp chỉ còn Công ty 194 thì TP rất khó giao dự án vì đây là dự án lớn nên phải có 2-3 nhà đầu tư trở lên để đấu thầu, chọn lựa theo đúng quy định của pháp luật” - vị cán bộ Sở GTVT TP cho biết. 

Cạnh đó, dự án cầu Cát Lái cũng bị lấn cấn dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành. Vì lẽ dự án cao tốc này đi băng qua huyện Nhơn Trạch và Long Thành và cũng sẽ có các nút giao cầu vượt, nhánh rẽ kết nối xuống hai huyện này. Bản thân tỉnh Đồng Nai đang xúc tiến mạnh việc kết nối tuyến tỉnh lộ 25B từ huyện Nhơn Trạch ra cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và khi hai tuyến cao tốc này nối kết với nhau thì cầu Cát Lái sẽ bị… thừa!

Một yếu tố khác, cầu Cát Lái xây dựng quá gần cụm cảng Tân Cảng - Cát Lái - Phú Hữu. Cùng lúc TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đang triển khai xây dựng nhanh các cảng biển, cảng đường thủy nội địa từ phà Cát Lái hiện hữu lên phía thượng lưu giáp cầu Đồng Nai. Như vậy, trong thời gian ngắn tới tuyến sông Đồng Nai sẽ là tuyến đường sông nhộn nhịp với mật độ tàu bè rất cao và chủ yếu là tàu lớn. “Như vậy việc làm cầu Cát Lái, dù cầu được chống va, cao trên 50 m nhưng vẫn là vật cản dòng chảy của tàu biển, tàu sông trên đoạn này” - một chuyên gia tư vấn cầu đường cho biết.

Theo một lãnh đạo Sở GTVT TP, với các vướng mắc về kỹ thuật, nguồn vốn, quỹ đất, phương thức xây dựng như trên nên khả năng đến sau năm 2030 mới có thể làm hai cầu này.

Bình Khánh - cầu cao nhất nước

Cầu Bình Khánh có tĩnh không 55 m, là cầu cao nhất nước (cầu Mỹ Thuận cao 40 m, cầu Phú Mỹ cao 45 m) bắc qua sông Soài Rạp, bảo đảm luồng hàng hải cho tàu biển 30.000-50.000 tấn lưu thông đi-về TP.HCM. Vốn đầu tư xây dựng cầu hơn 4,69 tỉ yen Nhật và 3.017 tỉ đồng. Cầu bắt đầu thi công vào tháng 8-2015 và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019 (sau 47 tháng). Cầu nối huyện đảo duy nhất của TP.HCM là Cần Giờ, bắt đầu từ đường Nguyễn Lương Bằng nối dài, quận 7 kết nối với đường Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè và điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ. Dự kiến cầu thay phà Bình Khánh. Đường dẫn vào cầu dài khoảng 5,8 km, mặt cầu rộng 40 m với sáu làn xe.

Bổ sung cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ

Giữa năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM (đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020) cầu thay thế phà Cát Lái. Cầu này được xây dựng từ quận 2, TP.HCM nối sang huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, vượt sông Đồng Nai với tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 4,5 km. Mặt cắt ngang đường 60 m, đảm bảo sáu làn cơ giới và hai làn hỗn hợp. Cầu được xây từ năm 2017 đến 2020.

Thủ tướng cũng đồng ý bổ sung cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh. Cầu này được xây dựng tại huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, vượt sông Soài Rạp. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 7,3 km. Mặt cắt ngang đường 40 m, đảm bảo bốn làn cơ giới và hai làn hỗn hợp. Cầu được thực hiện từ năm 2017 đến 2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm