Cần Thơ: Nhiều người không còn nhà do sạt lở bờ sông

Ngày 31-5, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP Cần Thơ sơ kết công tác PCTT&TKCN năm tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2018.

Theo báo cáo trong năm tháng đầu năm, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra chín đợt lốc xoáy (làm sập 10 căn nhà, tốc mái 32 căn nhà) và chín điểm sạt lở (làm sập hoàn toàn 10 căn nhà và 37 căn nhà bị ảnh hưởng, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 368 m). Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 32 tỉ đồng.

Báo cáo về tình hình thiên tai trên địa bàn, ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết ba năm gần đây tình hình sạt lở trên địa bàn diễn ra ngày càng phức tạp. Trong năm 2018 tất cả bảy phường của quận đều xảy ra sạt lở. Đối với khu vực sạt lở ở Thới An hiện tại có tổng cộng 36 căn nhà đã phải di dời với 145 nhân khẩu. Hiện có 22 hộ dân đã không còn đất và nhà để ở. Vì thế địa phương xin TP bố trí đưa người dân vào khu tái định cư. Điểm sạt lở vẫn tiếp tục ăn vào bờ và trở thành điểm báo động đỏ về tình hình sạt lở bờ sông.

Vụ sạt lở tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn ngày 21-5.

Dịp này, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam có báo cáo tình hình, kết quả khảo sát, đề xuất giải pháp khắc phục sự cố sạt lở tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn.

Theo đó, nguyên nhân xảy ra sạt lở là do vùng sạt lở có dòng chảy xoáy, phức tạp và có vận tốc >1 m/giây khu vực gần bờ; nhà ở lấn chiếm bờ sông gây mất ổn định; đất bờ ở trạng thái cát đắp dạng rời, khô bở trong mùa nắng và dễ bị bão hòa khi có mưa lớn đồng thời mưa theo các vết nứt tạo ra khả năng mất ổn định đất bờ cao.

Đồng thời Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo khu vực hiện tại và lân cận khả năng mất ổn định lớn về lâu dài sẽ tiếp tục sạt lở cao (vết nứt, hàm ếch), khu vực lân cận sông Ô Môn đoạn thuộc phường Thới An có địa hình sâu, dòng chảy rất phức tạp, dân cư sống tập trung đông và nhà cọc lấn chiếm lòng sông nhiều. Về lâu dài, để đảm bảo ổn định, cần thiết phải nghiên cứu lập dự án đầu tư kè bảo vệ bờ sông cả hai bên để đảm bảo ổn định và an sinh cho toàn vùng.

Phát biểu tại buổi họp, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, lưu ý từ nay đến cuối năm các địa phương hết sức cảnh giác với mưa bão và sạt lở bờ sông. “Tăng cường công tác rà soát và dự báo diễn biến thời tiết thường xuyên để người dân nắm rõ. Nếu làm tốt công tác phòng thì sẽ giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Các lực lượng có ý thức phương án thường xuyên sẵn sàng đối phó với tình huống xảy ra; kiên quyết không để người dân quay lại điểm sạt lở dù đã được gia cố. Đối với các dân cư ở ven sông và dân cư ở ven sông nơi sạt lở về lâu dài không thể có nhà sàn trên sông như hiện nay. Từ nay việc cấp phép hoặc xây dựng đại mà cho tồn tại trên sông là phải chấm dứt. Nếu để xảy ra chuyện này thì chủ tịch UBND cấp cơ sở là người chịu trách nhiệm trước tiên” - ông Thống nhấn mạnh. Theo đó, đến năm 2020 ở Cần Thơ phải chấm dứt tình trạng nhà sàn trên sông.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống phát biểu chỉ đạo tại buổi họp.

Còn đối với điểm sạt lở ở phường Thới An, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống thống nhất lựa chọn phương án khắc phục bằng cách khôi phục lại đường, gia cố mái sạt lở bằng bao tải cát, thềm đá. Theo đó, giao cho Chi cục Thủy lợi làm chủ đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND sử dụng nguồn vốn phù hợp để thực hiện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm