Cần 'phép màu' nào để biến TP.HCM thành siêu đô thị?

Theo báo cáo tình hình thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm và dự báo thị trường bất động sản từ nay đến Tết Mậu Tuất và năm 2018, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thông tin: Hiện trên địa bàn TP có khoảng 13 triệu người, trong đó có khoảng 3 triệu người nhập cư.

Những năm qua TP.HCM đã đóng góp đến 1/3 GDP, 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và trong nhiều năm cũng là địa phương thu hút nguồn vốn FDI cao nhất cả nước. Khối lượng công việc hành chính của TP.HCM cũng lớn nhất nước (ví dụ: Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2017, toàn TP đã cấp 414.073 giấy chứng nhận, 38.242 giấy phép xây dựng, gấp hàng chục lần so với các tỉnh).

Do vậy, hiệp hội nhất trí với đề xuất cần có cơ chế đặc thù cho TP.HCM nhằm mục tiêu xây dựng TP sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của khu vực Đông Nam Á, xây dựng đô thị thông minh, có chất lượng sống tốt với những nội dung quan trọng dưới đây.

Thứ nhất, HoREA đề nghị nghiên cứu áp dụng mô hình chính quyền đô thị để phù hợp với tình hình đặc thù của TP.

Thứ hai, HoREA đề nghị trung ương phân cấp, ủy quyền cho TP giải quyết một số vấn đề lớn như:

- Được chủ động trong sắp xếp bộ máy hành chính, vị trí cán bộ nhân viên hành chính, khoán biên chế, khoán quỹ lương, chính sách tiền lương để thu hút nhân tài;

- Được quyết định lựa chọn chủ đầu tư các dự án có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên, hoặc dự án có từ 2.500 căn nhà trở lên, hoặc dự án đầu tư dưới 10.000 tỉ đồng (hiện nay, theo Nghị định 99/2015 thuộc thẩm quyền của Chính phủ);

- Được quyết định lựa chọn nhà thầu các dự án có sử dụng đất theo Điều 26 Luật Đấu thầu. Hiện nay UBND TP phải trình Chính phủ xin cơ chế chỉ định nhà thầu từng dự án trong trường hợp đặc biệt, ví dụ: Việc xin cơ chế chỉ định thầu khi thực hiện xây dựng lại chung cư cũ bị hư hỏng nặng, nguy hiểm trong thời gian vừa qua;

- Được tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình nhà cao tầng (hiện nay, theo Nghị định 42/2017 thì các tòa nhà từ 25 tầng hoặc có chiều cao trên 74 m đều phải được Cục Quản lý các hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng thẩm định);

- Phân cấp cho TP (Sở Cảnh sát PCCC) phê duyệt các công trình PCCC nhà cao tầng, (Bộ Tư lệnh TP) phê duyệt cao độ tĩnh không nhà cao tầng (hiện nay do Cục Cảnh sát PCCC - Bộ Công an, Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng phê duyệt);

- Được phân công cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện được cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hiện nay, theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định 01/2017 thì thẩm quyền này thuộc Sở TN&MT và có thể được ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai TP);

- Được ổn định tỉ lệ được giữ lại từ nguồn thu ngân sách trên địa bàn trong kỳ hạn năm năm để tạo điều kiện cho TP chủ động xây dựng kế hoạch phát triển. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm