Mua nhà 10 năm vẫn không trả nổi tiền nhà

Nhiều hộ dân thuộc diện di dời trong các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị tại TP.HCM đã được bố trí tái định cư theo dạng mua nhà trả góp hoặc thuê nhà ở xã hội. Tuy nhiên, gần chục năm sau khi được bố trí tái định cư, rất nhiều hộ dân mua nhà tái định cư lẫn thuê nhà ở xã hội cho biết họ không có khả năng trả nợ do cuộc sống quá khó khăn.

Tiền bồi thường không đủ mua nhà

Chung cư Tân Mỹ, quận 7 là chung cư tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa tại chương trình di dời, giải tỏa, chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây, quận 8. Đã về sinh sống tại chung cư này bảy năm nay nhưng đa phần người dân chỉ trả góp được một ít rồi sau đó không có khả năng trả nữa. Thậm chí có không ít trường hợp từ lúc về ở đến nay chưa trả được đồng nào.

Ông Nguyễn Trung Quân được bố trí căn hộ tái định cư tại lô B chung cư Tân Mỹ với giá gần 500 triệu đồng. Sau khi trừ số tiền được bồi thường, hỗ trợ, ông còn nợ Nhà nước số tiền hơn 377 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi dọn về đây, ông bị bệnh nằm liệt giường và năm ngoái đã qua đời. Em gái ông là bà Nguyễn Hạc Đoan Trâm thì thần kinh không ổn định, lại mất sức lao động, phải ở nhà chăm mẹ già hơn 80 tuổi trong căn nhà gần như không có bất cứ vật dụng gì. Bà Trâm cho biết do gia cảnh nghèo khó, không có nghề nghiệp lại bệnh tật nên đến nay số tiền nợ vẫn chưa trả được đồng nào. “Gia đình tôi cũng muốn trả nợ cho Nhà nước lắm nhưng gia cảnh chúng tôi quá khó khăn. Việc lo chạy từng bữa ăn, trang trải sinh hoạt hằng ngày và thuốc thang chữa bệnh cũng còn chật vật nên thật sự không có khả năng chi trả” - bà Trâm nói.

Năm 2010, gia đình bà Nguyễn Thị Liên được bố trí tái định cư tại căn A710 lô A chung cư Tân Mỹ với giá 530 triệu đồng. Trong khi tổng số tiền bà Liên được bồi thường hơn 390 triệu đồng, số tiền còn lại khoảng 140 triệu đồng bà Liên được trả góp trong 15 năm. Trong năm đầu tiên, bà Liên cũng trả được khoảng 10 triệu đồng và từ đó đến nay không trả thêm được đồng nào. “Tôi đang làm tạp vụ cho một nhà hàng tại quận 6, mỗi ngày được 80.000 đồng trong khi phải nuôi con bệnh tật và hai đứa cháu. Do hoàn cảnh nghèo khó nên đứa cháu ngoại hiện đã tám tuổi nhưng không biết chữ vì không có tiền cho đi học” - bà Liên cho biết. Bà Liên rất lo lắng, sợ sẽ bị thu hồi lại nhà vì không trả được nợ.

Đó cũng là nỗi lo chung của rất nhiều hộ dân tái định cư tại chung cư Tân Mỹ. Vì không có cách nào kiếm ra tiền, lại nợ nần không có khả năng chi trả nên đa phần các hộ tái định cư đã bán nhà đến nơi khác kiếm kế sinh nhai. Theo người dân, toàn bộ lô A có hơn 300 căn tái định cư thì đến nay chỉ còn 20-30 hộ, còn lại đã bán hoặc cho người bên ngoài thuê. Tại lô B cũng chỉ còn rải rác một số ít hộ tái định cư, còn lại là người bên ngoài thuê lại để ở.

Bà Nguyễn Hạc Đoan Trâm và mẹ già hơn 80 tuổi trong căn hộ trống tại chung cư Tân Mỹ, quận 7. Ảnh: VIỆT HOA

Không đủ sức trả trước sáu tháng tiền nhà

Chung cư An Sương, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 cũng là nơi được dành để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị di dời trong chương trình chỉnh trang rạch Ụ Cây, quận 8. Trong đó, đa phần người dân không đủ điều kiện tái định cư được bố trí về thuê nhà tại chung cư này trong thời hạn 30 năm. Tuy nhiên, những người dân thuê nhà tái định cư tại đây cũng nghèo khó chẳng kém gì những người được mua trả góp.

Bà Trần Thị Lan thuê căn hộ C1-003 tại chung cư An Sương đến nay đã bảy năm. Theo thông báo của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8, bà Lan phải trả trước sáu tháng tiền thuê nhà, mỗi tháng hơn 2,8 triệu đồng (tổng số tiền hơn 17 triệu đồng) mới được nhận nhà. Bà Lan chạy vạy khắp nơi mới kiếm đủ số tiền nộp cho Nhà nước. Bà Lan cho biết lúc vận động người dân di dời, lãnh đạo quận 8 thông tin người dân sẽ được thuê với giá 400.000-500.000 đồng/tháng. “Tuy nhiên, hai năm sau khi chúng tôi về ở thì mới nhận được hợp đồng cho thuê nhà với giá mỗi tháng hơn 2,7 triệu đồng. Bà con chúng tôi ở đây đa phần nghèo khó, làm thuê làm mướn kiếm cơm qua ngày cũng không đủ ăn. Nói cô đừng cười chứ tiền rác mỗi tháng 20.000 đồng mà cũng không đóng nổi, phải nợ đến nay đã sáu tháng rồi, lấy đâu ra mỗi tháng vài ba triệu đồng để đóng tiền thuê nhà” - bà Lan nói. Được biết gần như tất cả người dân thuê 176 căn hộ tái định cư tại chung cư An Sương hiện đều chưa đóng tiền thuê nhà dù đã về đây sinh sống bảy năm.

Thu hồi tiền nợ rất khó khăn

Theo Công ty Dịch vụ công ích quận 8, trong 600 căn hộ tái định cư tại chung cư Tân Mỹ, quận 7, hiện đã bố trí được 352 căn, trong đó có đến 213 trường hợp chuyển nhượng cho người khác, còn lại 110 căn hộ. Công nợ phải thu tính đến ngày 30-6-2017 là hơn 16,6 tỉ đồng.

Tương tự, tại chung cư tái định cư Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có gần 2.500 căn hộ và nền đất, hiện đã bố trí gần 700 căn hộ và nền đất. Theo Công ty Dịch vụ công ích Bình Chánh, tổng số tiền người dân còn nợ thuê và mua nhà tái định cư đến thời điểm này là gần 8 tỉ đồng.

Theo nhiều công ty dịch vụ công ích quận, huyện khác, việc thu tiền nợ mua, thuê nhà tái định cư hiện gặp rất nhiều khó khăn do người dân không đủ khả năng chi trả.

Sẽ trình TP xem xét

Thực trạng nhiều người dân còn nợ tiền mua nhà, thuê nhà tái định cư Sở Xây dựng TP cũng đã nắm thông tin và đang giao cho các quận, huyện rà soát, thống kê danh sách cụ thể. Hướng xử lý là những trường hợp có khả năng chi trả mà không chịu trả thì phải có giải pháp thu hồi tiền nợ. Những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì Sở cũng sẽ tính toán các phương án hợp lý để trình TP xem xét, quyết định.

Ông TRẦN TRỌNG TUẤN, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm