Đồ thờ cúng ăn theo thị trường bất động sản

Sáng nay, 12-12, tại hội thảo Chiến lược gia tăng giá trị bất động sản tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết: 

Trong lĩnh vực nhà ở, trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến nay, mỗi năm Việt Nam đã phát triển mới được trung bình khoảng hơn 70 triệu m2 sàn nhà ở, đến nay cả nước ước tính có khoảng 2,1 tỉ m2 nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người từ 9,7 m2/người năm 1999 lên 23,7 m2/người vào tháng 6-2018.

Bất động sản có thể là ngòi nổ gây ra khủng hoảng

Mục tiêu theo chiến lược phát triển của Chính phủ về phát triển nhà ở, đến năm 2020 sẽ đạt được 25,5 m2/người. Trong khi đó, cách đây nhiều năm, Thượng Hải (Trung Quốc) là thành phố đã đạt 30 m2/người.

Với sự phát triển mạnh về thị trường nhà ở giúp kích thích nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng, đồ trang trí nội thất, đồ điện tử, thậm chí cả đồ tâm linh như bàn thờ, tranh ảnh cũng tăng theo thị trường bất động sản rất nhiều.

"Có hàng trăm ngàn mặt hàng đi theo thị trường bất động sản. Cho nên có thể thấy bất động sản có tính chất đầu kéo, có thể là một ngòi nổ gây ra khủng hoảng nhưng cũng là một đầu kéo cho sự phát triển kinh tế. Cho nên hầu hết các chính phủ của các nước trên thế giới đều rất quan tâm và coi trọng thị trường bất động sản, dùng nó để kích thích sản xuất cũng như kiểm soát khủng hoảng kinh tế" - ông Nam nhấn mạnh. 

Về giao dịch mua bán trên thị trường, theo ông Nam, thị trường bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM có sự phát triển bền vững với tốc độ ổn định. Các dự án bất động sản vẫn tiếp tục được đầu tư mạnh và liên tục cung cấp ra thị trường. Theo thống kê gần đây nhất của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong quý III-2018, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã đưa vào thị trường bất động sản đạt 20.328 sản phẩm mới, bao gồm cả nhà chung cư và nhà đất.

"Giao dịch thành công đạt 12.720 sản phẩm, nâng tỉ lệ hấp thụ đạt 63,5% (mặc dù trong quý có tháng ngâu và mùa khai giảng). Con số này tăng gấp rưỡi so với lượng giao dịch của năm 2014, chứng tỏ người mua nhà phần lớn từ nhu cầu thực, cho thấy không có biểu hiện của thị trường ảo hoặc bong bóng bất động sản" - ông Nam nhận định.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người từ 9,7 m2/người năm 1999 hiện đã được nâng lên 23,7 m2/người vào tháng 6-2018.

Ghen tị với bất động sản Việt Nam

“Đáng chú ý, mặc dù giao dịch bất động sản tăng trưởng mạnh nhưng giá bất động sản không tăng, giá mỗi năm chỉ tăng khoảng 3%-5%. Giá không tăng chứng tỏ các doanh nghiệp đã có định hướng chiến lược về cơ cấu hàng hóa phù hợp với sức mua, phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng thanh toán của người dân" - ông Nam cho biết thêm.

Lấy ví vụ về sự tăng trưởng tốt của thị trường, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiết lộ một chi tiết khá thú vị là các doanh nghiệp ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Philippines rất ghen tị với giới bất động sản Việt Nam. Bởi theo đánh giá của Trung tâm Bất động sản Thái Lan, thời gian bán hết trung bình của một dự án bất động sản tại Hà Nội chỉ khoảng 23 tháng, đặc biệt đối với phân khúc căn hộ thương mại giá rẻ chỉ trong sáu tháng, trong khi tại các nước khác trong khu vực, một dự án bán trong vòng 3-4 năm, thậm chí năm năm vẫn chưa hết hàng.

Bên cạnh thị trường nhà ở, đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, nhu cầu hiện nay là rất lớn, khả năng thanh toán tốt, tuy nhiên gần đây đang có sự chững lại nhất định do các vấn đề về pháp lý.

Thời gian tới, với sự tăng trưởng mạnh của du lịch, nhu cầu về cơ sở lưu trú phục vụ du lịch, đặc biệt là các tín hiệu tích cực khi Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan (Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch…) khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản: về quy chuẩn tiêu chuẩn, quy chế quản lý vận hành, quy định chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu.

Như vậy, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đã chính thức được thừa nhận và bước đầu được thể chế hóa. Khi đó, phân khúc bất động sản này chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng tích cực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm