“Bánh vẽ” của địa ốc Alibaba

“Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đang phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế TP.HCM (PC46) và Cục Cảnh sát kinh tế và Phòng chống Tham nhũng vào cuộc điều tra, xử lý trên cơ sở quy định của pháp luật vụ Alibaba”. Thông tin này đã được ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, công bố tại tọa đàm đạo đức kinh doanh và khởi nghiệp bất động sản do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức chiều 29-11.

“Bánh vẽ” của địa ốc Alibaba

Mặc dù báo chí liên tiếp đưa ra các cảnh báo liên quan tới Công ty Địa ốc Alibaba bán dự án khống, hàng loạt cơ quan chức năng ráo riết thu thập chứng cứ để điều tra. Thế nhưng ngày 26-11 vừa qua, Công ty Địa ốc Alibaba vẫn tổ chức mở bán dự án mới Khu đô thị Alibaba Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) với quy mô lớn. Đáng ngạc nhiên là có rất nhiều người chen chân đặt chỗ để có được mức giá ưu đãi.

Tại buổi mở bán này, chính ông Nguyễn Thái Luyện, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Alibaba, thừa nhận chưa có giấy phép dự án Tây Bắc Củ Chi nhưng vẫn cho đặt cọc giữ chỗ. Tiền đặt chỗ dự án này được chuyển thành hợp đồng góp vốn đầu tư. Nếu không nhận được dự án, công ty sẽ hoàn trả tiền cho khách hàng và trả cho khách hàng lãi suất 3%/tháng.

Một khách hàng đặt câu hỏi: “Hiện tôi không có đủ khả năng tài chính nên muốn rút lại tiền cọc giữ chỗ thì có được không?”. Ngay lập tức ông Luyện cho biết sẵn sàng lấy lại lô đất của khách hàng, đồng thời còn trả cho khách hàng tiền lãi theo lãi suất Ngân hàng ACB.

Khách hàng chen chân đặt chỗ mua nhà dự án Khu đô thị Alibaba Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) ngày 26-11 tại Trung tâm hội nghị Adora, 371 Nguyễn Kiệm, Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: THÙY LINH

Thế nhưng ông Luyện không nói rõ mức lãi suất mà khách hàng được nhận là lãi suất huy động hay lãi suất cho vay. Chưa kể đến việc khách hàng phải chờ trong vòng sáu tháng thì số tiền cọc này mới được hoàn trả đủ. Với chính sách thoạt nghe có vẻ rất tích cực nhưng với những khách hàng thì hành trình lấy lại tiền của chính mình cũng không dễ dàng.

Tương tự, ông Thụy, khách hàng mua đất nền tại các dự án Long Phước, Đồng Nai, cho biết theo hợp đồng thì Alibaba đã trễ thời hạn giao sổ nhưng công ty không trả lời bất cứ nội dung nào liên quan đến việc này. Được biết ông Thụy đã phải đến công ty bảy lần xin gặp lãnh đạo nhưng đều không thể gặp. Thế nhưng thay vì trả lời cụ thể, giải thích rõ nguyên nhân vì sao thì ông Luyện lại chỉ dừng ở mức tiếp nhận thắc mắc của khách hàng và sẽ giải quyết sau.

Khi đầu tư vào bất kỳ sản phẩm bất động sản nào, khách hàng cần phải lưu ý xem giá trị tiềm năng của dự án có khả quan không và tính pháp lý của dự án ra sao. Nếu không chứng minh được giá trị sinh lời của sản phẩm bất động sản mà chỉ nghe vào lời quảng cáo của chủ đầu tư thì khả năng thất bại gần như nắm chắc trong tay. Bên cạnh đó, tính pháp lý cũng phải đặc biệt quan tâm. Nếu trong tương lai, Công ty Alibaba không trở thành chủ đầu tư, liệu người mua có dám chắc họ sẽ lấy lại được tiền kèm theo lãi suất 3% mà công ty này đã cam kết hay không?

Lãnh đạo một công ty bất động sản 

Hàng loạt vi phạm

Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Trương Công Nam khẳng định Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi đang kêu gọi đầu tư. Qua kiểm tra, xác minh và thu thập hồ sơ, TP kết luận chưa giao Alibaba làm chủ đầu tư. Do đó, việc Alibaba đứng ra huy động khách hàng và ký đặt cọc là trái quy định pháp luật. Hiện tại, hạ tầng tại đây chưa được đầu tư xây dựng, chưa được phê duyệt quy hoạch, chưa bồi thường giải phóng mặt bằng, còn rất nhiều hộ dân sinh sống ở đây.

Ông Nam cho biết thêm Thanh tra Sở Xây dựng TP phối hợp với PC46 và C46 đang gấp rút thu thập hồ sơ để tìm giải pháp xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Về khung phạt hành chính đối với Alibaba, đại diện thanh tra Sở Xây dựng cho biết: “Công ty này không phải chỉ có một hành vi vi phạm mà còn hàng loạt hành vi vi phạm khác. Sau khi xử lý Alibaba, Sở Xây dựng sẽ đề xuất UBND TP giải pháp điều chỉnh chung các doanh nghiệp có hành vi tương tự Alibaba để răn đe”.

Trả lời cho câu hỏi vì sao ngày 26-11, Alibaba vẫn tiếp tục tổ chức bán dự án, đại diện thanh tra Sở Xây dựng cho biết: “Thực tế, ngày hôm đó thanh tra Sở Xây dựng, PC46 và C46 cũng có tham dự để theo dõi. Chúng tôi theo sát doanh nghiệp này từng bước. Tuy nhiên, tại đó chủ đầu tư ban đầu thông báo là mở bán dự án Khu đô thị Tây Bắc nhưng sau đó lại chuyển qua mở bán khu đô thị ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Vì thế, chúng tôi còn phải tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý”.

Lạ lùng “cơn sốt” địa ốc Alibaba!

Những ngày vừa qua, thị trường bất động sản tại TP.HCM chứng kiến một “cơn sốt” kinh hoàng mang tên địa ốc Alibaba. Cái lạ của cơn sốt này không liên quan đến giá đất mà “sốt” do chưa đủ điều kiện mở bán dự án nhưng Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba vẫn bán hàng loạt dự án tại một số tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… Vụ việc được nhiều cơ quan, tổ chức như UBND TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Sở TN&MT TP, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) lên tiếng cảnh báo, điều tra…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm