Lương hưu là chỗ dựa của rất nhiều người

Tôi có người quen là công nhân, làm công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Chị có 23 năm tham gia BHXH, mới nghỉ hưu trí theo diện mất sức (nghỉ trước tuổi) cách đây hơn ba tháng.

Do mức tiền lương hưởng chế độ hưu trí được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 tính theo lương hệ số (khi doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước) và được chia bình quân năm năm cuối, giai đoạn 2 khi doanh nghiệp chuyển qua thực hiện tiền lương theo mức lương tối thiểu vùng từ 1-1-2016. Cộng gộp hai giai đoạn rồi chia đều cho quá trình tham gia BHXH, bị trừ 2% cho mỗi năm về hưu trước tuổi nên mức lương hưu chị lãnh còn vỏn vẹn 2.022.000 đồng/tháng. 

Thú thật, cầm trên tay mức lương đó sau hơn 20 năm công tác, người lao động (NLĐ) chẳng thể sống nổi ở TP có mức sống đắt đỏ như TP.HCM.

Đó là chưa kể đầu năm 2018, cách tính lương hưu mới đối với lao động nữ cũng sẽ thay đổi. Thời gian tham gia BHXH bắt buộc của lao động nữ phải đủ 30 năm mới được hưởng tỉ lệ lương hưu tối đa 75%, trong trường hợp nếu không đủ thời gian đóng BHXH đủ 30 năm sẽ bị trừ 10% tỉ lệ lương hưu so với lao động nữ nghỉ hưu vào năm 2017 (25 năm đóng BHXH). Điều đó đồng nghĩa mức lương hưu của lao động nữ sẽ giảm đáng kể nếu không tham gia BHXH đủ 30 năm và bị giảm trừ thêm nếu về hưu do mất sức lao động.

Có thể thấy tình trạng lương hưu còm cõi không chỉ xảy ra với NLĐ thuộc cơ quan nhà nước mà còn với cả doanh nghiệp tư nhân.

Ai cũng biết NLĐ đóng BHXH dựa trên mức tiền lương cao thì chắc chắn lương hưu trí cũng sẽ cao. Thế nhưng với cách tính lương hưu như hiện nay chưa thực sự hợp lý, đặc biệt là tỉ lệ % giảm trừ đối với NLĐ chưa đủ tuổi về hưu do mất sức lao động còn quá cao. 

Do vậy, những NLĐ, đặc biệt là lao động lớn tuổi, rất mong Nhà nước, cơ quan BHXH nghiên cứu để có cách tính thấu đáo hơn. Có thể thay đổi chính sách lương hưu hiện nay, cụ thể là cách tính giảm trừ tỉ lệ % cho NLĐ về hưu trước tuổi do mất sức hoặc chưa đóng đủ số năm BHXH theo quy định để hưởng tỉ lệ % lương hưu.

Có như vậy mới đảm bảo được an sinh xã hội, cũng như đảm bảo nguyên tắc NLĐ về hưu phải sống được với mức lương hưu. Quan trọng hơn, chính sách BHXH của Nhà nước cần tạo cho NLĐ một tâm thế ổn định, yên tâm công tác và cống hiến; không phải nhấp nhổm lo lắng khi về già, mất sức lao động, sau quãng thời gian làm việc miệt mài nhận lại quả đắng: Không thể tự nuôi sống bản thân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm