Đăng ảnh nghi can ấu dâm là gây hại cho trẻ em khác

Từ diễn đàn "Đăng ảnh nghi phạm ấu dâm: Bạn nghĩ sao?", chúng tôi ghi nhận ý kiến của bà Nguyễn Thị An, Quản lý chương trình bảo vệ trẻ em của Tổ chức Plan(một tổ chức phát triển cộng đồng hoạt động trên nguyên tắc lấy trẻ em làm trung tâm). Dưới đây là ý kiến của bà.

Đăng ảnh nghi can ấu dâm là gây hại cho trẻ em khác ảnh 1
Bà Nguyễn Thị An, Quản lý chương trình bảo vệ trẻ em của Tổ chức Plan

Trước hết tôi rất chia sẻ với cảm xúc của mọi người trước những sự việc vừa qua. Trước những thông tin liên tiếp về các vụ tố cáo thủ phạm ấu dâm,  cchúng ta cảm thấy phẫn nộ, bất bình vì nóng lòng mong công lý sớm được thực thi, sớm tìm ra thủ phạm.
Tuy nhiên làm gì thì làm chúng ta cũng phải tuân theo luật pháp vì khi nghi phạm chưa bị kết tội thì họ vẫn là công dân có đầy đủ các quyền, trong dóo có quỳên nhân thân về hình ảnh. 
Hành động đăng ảnh của họ lên mạng xã hội cũng có nghĩa là chúng ta đang tiếp tay và kết án họ thay cho tòa, đó không phải là chức năng của chúng ta.
Trên mạng xã hội mấy ngày qua, không chỉ đăng ảnh nghi phạm, có người còn đăng cả ảnh nghi phạm bế hai đứa con gái của mình trên tay và chỉ trích rằng cũng có con gái mà dám làm chuyện bậy.
Nghi phạm còn có vợ, có con, có người thân của họ. Ai đó có thể nghĩ con cái họ còn bé chưa biết gì đâu, nhưng khi chúng lớn lên thì thông tin và hình ảnh đó trên mạng vẫn còn lưu lại. Nỗi đau đó làm sao xóa? Chúng ta đang bảo vệ trẻ mà vô tình lại tước đi quyền, xâm hại trẻ khác. Điều đó là không công bằng với trẻ.
Tìm công lý là việc rất cần thiết nhưng tôi mong trên hành trình đó mọi người lưu ý một điều là phải bảo vệ con mình, bảo vệ nạn nhân đã chứng kiến sự việc.
Có khi trong quá trình đi tìm công lý, chúng ta để lộ hết danh tính của các em. Có thể chúng ta đang làm tổn thương các em thêm một lần nữa.
Nhân câu chuyện này, tôi thấy chúng ta vẫn nói nhiều rằng phòng hơn chống, nhưng khi có những sự việc rộ lên thì mọi người mới hoảng hốt, lo lắng sầm sập, nhưng phòng ngừa là một quá trình lâu dài, nó đòi hỏi bố mẹ phải biết nói chuyện và lắng nghe, tôn trọng con cái. Đó cũng là quá trình liên tục chứ không phải đến lúc mới cuống lên.
Phụ huynh cũng có thể trò chuyện với con từ mẫu giáo, nói cho trẻ biết đâu là bộ phận kín, làm sao cho conn biết rằng đó là bộ phận che bằng đồ lót của con và không ai có quyền được động vào bộ phận kín của con trừ khi để giữ gìn vệ sinh hay chữa bệnh, nếu ai đó đụng vào phải nói không, bỏ đi và kể lại. Thông điệp đó phải nói từ bé và nhắc đi nhắc lại.
Dạy về kỹ năng tự bảo vệ mình thì có thể dạy từ bé, thậm chí từ 1 tuổi đã có thể nói cho con. Ví dụ như khi tắm cho con bố mẹ cần đóng cửa nhà tắm lại để tạo cho trẻ có hàng rào bảo vệ, cho đến khi lớn hơn một chút khi thay quần áo cho con cũng đừng thay quần áo trước mặt đông người.
Tôi đã gặp trường hợp trẻ ba tuổi đã bị xâm hại tình dục, thậm chí cách đây khoảng 20 năm tôi từng gặp bé 8 tháng đã bị xâm hại tình dục. Vì vậy hoàn toàn có thể dạy cho bé tự bảo vệ mình từ sớm mà không cần thời điểm.
Ở Plan, chúng tôi có những chương trình dạy cho trẻ em tự bảo vệ mình, chúng tôi quan niệm dù bố mẹ có yêu thương con đến mấy, có bảo vệ con đến mấy thì cũng không thể bảo vệ con 24/24 giờ được. Thế nên trẻ phải biết cách tự bảo vệ mình, biết nhận ra các rủi ro và biết phòng tránh các rủi ro ấy, nếu chẳng may gặp phải các rủi ro đấy thì phải biết cách tìm kiếm sự trợ giúp. Điều này không có nghĩa là người lớn phủi tay trách nhiệm, trách nhiệm vẫn là người lớn bảo vệ trẻ em, nhưng cần hướng trẻ em tham gia một cách chủ động để tự bảo vệ mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm