Xúc phạm nhân phẩm: Phải thống nhất mức xử phạt!

Danh dự, nhân phẩm là một trong những yếu tố để xác định phẩm chất, giá trị của một con người, được xã hội đánh giá, thừa nhận và được pháp luật bảo hộ. Đã là “danh dự, nhân phẩm”, cho dù của nhà giáo hay của bất kỳ một người nào khác thì quy chế pháp lý cần phải được điều chỉnh một cách thống nhất chứ không thể có sự phân biệt.

Một rừng luật về nhân phẩm

Thế nhưng hiện nay chỉ xét riêng đối với hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” thì có ít nhất bốn nghị định điều chỉnh và chế tài xử phạt cũng cao thấp khác nhau.

Cụ thể, Chính phủ đang xây dựng dự thảo nghị định mới thay thế cho Nghị định 138/2013. Theo dự thảo nghị định, hành vi “xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục” sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Mức tiền phạt này cao hơn rất nhiều so với hành vi “xúc phạm nhân phẩm, danh dự” của người khác (Điều 5 Nghị định 167/2013 với mức phạt 100.000-300.000 đồng). Còn Nghị định 159/2013 thì hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp” sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Nghị định 174/2013 quy định hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân” bị phạt tiền từ 20 triệu đến 50 triệu đồng…

Với mức tiền phạt khác nhau như vậy, phải chăng dự thảo nghị định cho rằng việc “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” của nhà giáo là tương tự với “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” của nhà báo và cao hơn so với những người khác trong xã hội? Đây là điều không hợp lý và cần được khắc phục bởi “quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm” là một quyền hiến định của con người.

Việc thiết kế các chế tài như trên là không hợp lý, ngay đối với những nhà nghiên cứu và các chuyên gia luật thì việc tìm hiểu tất cả chế tài xử phạt là điều không đơn giản. Điều này càng trở nên phức tạp hơn đối với những người không chuyên về luật.

Bài báo “Nhân phẩm: Người giá 300.000, người giá 20 triệu!” thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc.

Tách biệt nhưng cần bình đẳng

Theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 81/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017) thì: “Trường hợp hành vi vi phạm hành chính (VPHC) thuộc lĩnh vực này nhưng do tính chất vi phạm đặc thù của hành vi đó thì có thể quy định và xử phạt trong nghị định xử phạt VPHC thuộc lĩnh vực khác. Trong trường hợp này, hình thức, mức xử phạt quy định phải thống nhất với quy định tại nghị định xử phạt VPHC của lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng”. Vậy thì mức xử phạt ở các nghị định đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm không thể quá khác biệt nhau mà cần phải hài hòa nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về lâu dài, Chính phủ cần tiến hành thống nhất chế tài xử phạt đối với hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” trong một điều luật cụ thể và không quy định tản mạn trong những văn bản khác nhau.

Nếu nhận thấy hành vi này cần phải bị trừng trị nghiêm khắc hơn đối với một số chủ thể đặc biệt thì nhà làm luật có thể quy định về tình tiết tăng nặng. Trên cơ sở đó, người có thẩm quyền xử phạt sẽ áp dụng mức tiền phạt tối đa nhằm đảm bảo tính răn đe.

Cách quy định như trên là mô hình của kỹ thuật lập pháp “tách biệt nhưng bình đẳng” (separate but equal), với ý tưởng là không “phớt lờ” những giá trị truyền thống, đạo đức mà vẫn tạo ra sự công bằng cho mọi người một cách hợp pháp.

Chồng chéo, mâu thuẫn

Tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo về chế tài xử phạt trong các nghị định của Chính phủ liên quan đến hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” là do có quá nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo.

Trong bốn văn bản cùng được ban hành trong năm 2013 để xử lý về hành vi xúc phạm nhân phẩm nói trên, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 167 là Bộ Công an, chủ trì soạn thảo Nghị định 159 và Nghị định 174 là Bộ TT&TT, còn Nghị định 138 và dự thảo nghị định thay thế nghị định này là Bộ GD&ĐT…

Mỗi bộ lại soạn thảo văn bản theo hướng đặc thù của ngành mình và ít quan tâm đến văn bản của bộ khác. Vì thế đã làm cho lĩnh vực pháp luật về VPHC nói chung và đối với hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” nói riêng trở nên đông đúc, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn nhau.

Thực tế đã xảy ra tình trạng hai cô giáo Trường Mầm non Sen Vàng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) có hành vi “xâm hại đến sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học” nhưng người có thẩm quyền không xử phạt theo chế tài của Nghị định 138 mà lại xử phạt theo chế tài của Nghị định 167.

Trong khi đó, đối với trường hợp trên, việc xử phạt phải áp dụng theo chế tài của Nghị định 138 mới là chính xác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm