Vợ sinh con, chồng được nghỉ nhiều lần

Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH bắt buộc.

Theo đó, một số điều khoản quan trọng được bổ sung, điều chỉnh như điều kiện hưởng lương hưu; chế độ đối với người lao động (NLĐ) đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng… Đáng chú ý là nhiều quy định mới có lợi hơn cho NLĐ nữ về chế độ thai sản.

Tính chế độ thai sản cho cả con đã mất

Cụ thể, dự thảo lần này bổ sung quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con mà thời điểm bắt đầu nghỉ việc không từ ngày 1 của tháng thì tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ được tính là thời gian đóng BHXH là sáu tháng.

Điều 10 của dự thảo quy định dự kiến về trường hợp mang thai đôi trở lên cũng được điều chỉnh theo hướng nhân văn hơn. Cụ thể, trước đây lao động nữ mang thai đôi trở lên khi sinh nếu có thai bị chết hoặc chết lưu thì chế độ thai sản chỉ được giải quyết đối với con còn sống; thời gian nghỉ thai sản được tính theo số con được sinh ra bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.

Còn trong dự thảo đang lấy ý kiến, nếu có con bị chết hoặc chết lưu thì thời gian hưởng chế độ và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo tổng số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.

Nếu lao động nữ đi làm lại trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì không thuộc đối tượng giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Dự thảo chú trọng hơn đến vai trò, quyền lợi của người chồng khi vợ nghỉ thai sản. Ảnh: HOÀNG GIANG

Vai trò của người chồng được nhấn mạnh

Dự thảo cũng chú trọng hơn đến vai trò, quyền lợi của người chồng khi vợ nghỉ thai sản. Cụ thể như người chồng đang đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản khi vợ sinh con sẽ được nghỉ chế độ thai sản theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật BHXH và được quyền nghỉ làm nhiều lần, miễn là tổng thời gian không quá thời gian quy định.

Theo đó thì khi vợ sinh con, người chồng sẽ được nghỉ năm ngày làm việc. Nếu vợ sinh con phải phẫu thuật, con dưới 32 tuần tuổi thì số ngày người chồng được nghỉ là bảy. Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con người chồng được nghỉ thêm ba ngày;

Nếu người vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì người chồng được nghỉ 14 ngày làm việc. Nếu người chồng chia thời gian nghỉ thành nhiều lần thì thời điểm nghỉ lần cuối cùng phải nằm trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con.

Ngoài ra, nếu người mẹ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện (cha phải đóng BHXH từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con trong trường hợp nhờ mang thai hộ) thì được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con. Cụ thể là được trợ cấp một lần bằng hai lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng NLĐ nhận nuôi con nuôi cho mỗi con.

Người lao động nước ngoài được chăm lo chế độ thai sản

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 143/2018 quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc cho NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-12-2018.

Theo đó, hằng tháng người sử dụng lao động dựa trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ để đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ nước ngoài như sau:

-  Từ ngày 1-12-2018: Đóng 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp;

- Từ ngày 1-1-2022: Đóng thêm 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Bên cạnh đó, từ ngày 1-1-2022, hằng tháng NLĐ nước ngoài phải đóng BHXH bắt buộc bằng 8% mức lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm