Tranh cãi việc ‘chỉ mặt bêu tên’ người xả rác

Như thông tin www.plo.vn đã phản ánh, trên mạng xã hội gần đây chia sẻ hình ảnh một tấm băng rôn được căng trên tường, nội dung là hình ảnh, tên tuổi của những người được cho là đã lén vứt rác bừa bãi trong khu dân cư. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những hình ảnh trên chụp tại đường Săm Brăm, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Phường xác định có chuyện bêu tên

Không chỉ đăng rõ mặt, những tấm băng rôn này còn ghi chú tên tuổi, ngày giờ nhân vật bị bêu tên đã vứt rác bừa bãi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tân (Chủ tịch UBND phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) xác nhận: Ngày 18-6, cán bộ phường Ea Tam phát hiện trên đường Săm Brăm xuất hiện một băng rôn có nội dung như trên. Sau đó tấm băng rôn nhanh chóng được gỡ xuống. UBND phường kết hợp cùng Công an phường Ea Tam đã tìm hiểu sự việc nhưng không xác định được danh tính người dán tấm băng rôn trên.

“Việc bêu tên người xả rác có thể là hành động của người dân địa phương do quá bức xúc với sự vô ý thức của người khác nhưng như vậy là không phù hợp. Chúng tôi cũng đang tìm người này để nhắc nhở, từ đó tuyên truyền cho người dân về ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Qua việc này, hy vọng người dân thay vì treo băng rôn, bêu tên người xả rác như vậy thì có thể trao đổi, tổ chức họp góp ý công khai để tìm cách giải quyết” - ông Tân lưu ý.

Người xả rác bị bêu riếu tên lên băng rôn. Ảnh: FACEBOOK

Người dân hiến kế cách làm hiệu quả

Sau phản ánh của chúng tôi, nhiều bạn đọc đã có những ý kiến trái chiều về chuyện này. Sinh viên Hoàng Thị Lan Anh (TP Buôn Ma Thuột) cho biết: “Mình không đồng tình kiểu làm này. Cho dù là người đó có vi phạm thật đi chăng nữa thì việc in băng rôn, dán ở nơi công cộng như thế này thật quá đáng. Có bao giờ bạn đặt trường hợp mình là người bị treo tên lên cộng đồng chưa? Việc bêu rõ mặt như vậy khiến người ta xấu hổ, thậm chí là gây tiêu cực cho cuộc sống của họ. Đó là chưa kể đến việc bêu tên như thế là việc làm trái quy định pháp luật, coi chừng bị sờ gáy như chơi”.

Chị Tống Thị Phương thì có cái nhìn thông cảm hơn: “Thực tế hiện nay nơi nào cũng có người xả rác vô ý thức. Việc phải bêu tên người vứt rác lên băng rôn thể hiện sự tức tối của người dân trước hành vi này”.

Chị Nguyễn Thị Lý (phường 14, quận 3, TP.HCM) lại đồng tình với cách “chỉ mặt nêu tên” trên: “Làm như vậy sẽ khiến những người còn lại không dám xả rác. Tôi sống ở TP.HCM, chuyện xả rác sai nơi quy định diễn ra như cơm bữa. Mới tối qua chạy bộ trên kênh Nhiêu Lộc, tôi thấy có người bê nguyên một thùng rác vứt xuống sông. Chả trách trời mưa rác làm nghẹt cống, nước lênh láng trên mặt đường gây ngập úng. Hành động căng băng rôn để bêu tên những người vô ý thức trong việc xả rác bừa bãi đã phản ánh đúng thực trạng hiện nay bởi người dân không biết kêu đến ai. Vì vậy, họ đành nghĩ ra cách tự xử như vậy nhằm đe dọa người có hành vi này.

Nói gì thì nói, để văn hóa hơn, các phường/xã cần lập ra một kênh tiếp nhận thông tin, khuyến khích người dân chụp ảnh rồi gửi về kênh tiếp nhận đó. Nơi đây sẽ tiếp nhận rồi làm việc với chính người vi phạm để nhắc nhở hoặc xử phạt. Cách làm này vừa không trái luật, không phản cảm mà dễ đem lại hiệu quả hơn”.

Luật không cho phép đăng ảnh người vi phạm

Luật sư Nguyễn Hoài Bảo, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết việc xử lý hành vi xả rác thải, vứt rác thải không đúng nơi quy định được quy định tại Nghị định 155/2017. Cụ thể, vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định và vứt, thải rác thải sinh hoạt bừa bãi có thể bị phạt 1-7 triệu đồng.

Trong nghị định này hoàn toàn không có việc chế tài đăng ảnh người vi phạm. Do vậy, việc cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh của người vi phạm với các thông tin nhân thân như tên, năm sinh, nơi cư trú để đăng tải công khai là việc làm trái luật.

Điều 31 BLDS 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý.  Việc sử dụng hình ảnh cá nhân mà vi phạm nội dung trên thì người bị sử dụng hình ảnh có quyền khởi kiện tại tòa án, yêu cầu tòa án buộc cá nhân có liên quan phải tháo dỡ, gỡ bỏ, thu hồi hoặc tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, đồng thời bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật vì quyền nhân thân về hình ảnh đã bị xâm phạm.

Những cá nhân đăng tải hình ảnh của người vứt rác trên trang mạng xã hội làm ảnh hưởng uy tín của họ có thể bị xử phạt theo điểm e, điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 với mức phạt tiền 10-20 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm