Sửa luật để tham quan phải trắng tay

Bài viết “Đề xuất thu hồi tài sản bất minh của quan chức” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 22-11 nhận được rất nhiều ý kiến quan tâm của độc giả.

Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiện hành cũng như dự thảo luật sửa đổi đều không đặt ra vấn đề xử lý khối tài sản bất minh của quan chức. Hầu hết bạn đọc đều cho đây là điểm hở căn bản chưa được giải quyết của pháp luật. Dư luận cho rằng tham nhũng cần phải được xem là tội phạm đặc biệt và phải có cơ chế xử lý đặc biệt đối với tội này.

Tài sản trong sạch phải có nguồn gốc

“Quan chức trong sạch sẽ dễ dàng chứng minh được nguồn gốc tài sản. Không thể đổ trách nhiệm này là của cơ quan chức năng để vấn đề chứng minh tài sản bất minh mãi mãi bỏ trống” - bạn đọc Nhật Minh nêu ý kiến. Bạn Hùng Lê cho rằng: “Cứ xử theo kiểu khiển trách, rút kinh nghiệm thì một xu cũng không thu hồi về được”. Đồng tình, bạn Thanh Tùng chỉ rõ: “Luật không cho truy nguồn gốc tài sản thì làm sao biết đó là tài sản bất minh mà đề nghị tịch thu? Thật hài hước”. “Chính vì sai phạm rồi cùng lắm chỉ cách chức, điều chuyển… tài sản vẫn bảo toàn nên nhiều cán bộ mới ra sức đục đẽo khi chưa bị lộ” - bạn Hoàng Phương mỉa mai.

Trên thực tế, việc xác minh tài sản bất minh không khó, đặc biệt đối với khối lượng tài sản từ lớn đến rất lớn. “Tài sản bất minh của cán bộ, công chức chỉ cần so sánh với thu nhập hợp pháp là rõ. Không hợp pháp cũng không xử lý thì hợp lý ở đâu?” - bạn Việt nói. “Ở nước ngoài nếu quan chức có tài sản lớn mà không minh bạch được nguồn gốc từ đâu thì chắc chắn khối tài sản đó khó mà giữ nổi, ô sa sẽ mất luôn” - bạn Quyết Thịnh bình luận. “Không thể có tài sản chính đáng mà không có nguồn gốc, nếu của quan chức thì chỉ có thể là từ tham ô, tư lợi” - bạn Hoàng Sơn kết luận.

Luật không hiệu quả bắt buộc phải sửa

“Chìa khóa để chống tham nhũng là xử lý được tài sản bất minh, nếu không tịch thu tài sản này không bao giờ chống được tham nhũng”, đó không chỉ là ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội mà cũng là ý chí của người dân.

Độc giả Phạm Hữu Dũng nói: “Phải kiên quyết xây dựng Luật PCTN sao cho quan chức không thể và không dám tham nhũng. Tham nhũng phải đi tù và tài sản bị tịch thu. Tài sản của cả người thân quan chức cũng phải làm rõ”.

“Quan tham nhũng phải trắng tay khi vào tù mới khiến họ suy nghĩ trước khi cầm quà” - bạn Khánh Hòa nhấn mạnh. “Bắt buộc phải đưa luật về việc xử lý tài sản tham nhũng. Rõ ràng cho đến bây giờ ai cũng biết có tham nhũng nhưng chưa thấy trị được ai, đó là sự bất lực của các quy định hiện hành” - bạn đọc Nguyễn Diện bức xúc. “Muốn làm công chức phải chấp nhận các quy định. Trong đó phải chứng minh được tài sản (lớn) của mình là hợp pháp nếu không sẽ bị coi là bất hợp pháp, tịch thu. Có như thế mới không còn cửa lách cho tham nhũng” là ý kiến của bạn Phương Thanh, Hai Giang.

Bạn đọc Lê Thành dẫn lại một bài viết, trong đó có những ý kiến rất xác đáng: Luật PCTN không nên dẫm chân lên luật hình sự. Nếu được xây dựng theo nguyên tắc suy đoán có tội (chỉ cần dựa vào biểu hiện tham nhũng là có thể xử lý ngay) sẽ có tác dụng phòng ngừa rất lớn. Nếu công chức cảm thấy liều lĩnh phạm pháp để kiếm chác nhưng sẽ không được sử dụng những đồng tiền đó thì “máu” tham nhũng chắc sẽ nguội đi đáng kể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm