Sao không cho tố cáo bằng Facebook?

Mới đây, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng chỉ chấp nhận hai hình thức tố cáo như luật hiện hành, là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp; không nên mở rộng các hình thức tố cáo khác như qua mạng xã hội, mail, fax…

Quan điểm trên đã gây nhiều tranh cãi. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận một số ý kiến các chuyên gia, bạn đọc quanh vấn đề này.

Chúng tôi vẫn nhận tố cáo qua điện thoại, mail

Trên thực tế hiện nay, UBND quận 12 vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện tiếp nhận ý kiến, phản ánh của người dân qua đường dây nóng, website và fanpage của quận. Đây là cơ sở để UBND quận 12 tiếp nhận và giải quyết nhanh những ý kiến phản ánh của người dân và không làm mất thời gian đi lại của người dân.

Việc tiếp nhận tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, Facebook… thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện của hai hình thức tố cáo mà dự thảo luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Hiện nay quận đang tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng hoặc xử lý các thông tin từ đường dây nóng của UBND TP chuyển xuống. Cũng từ nhiều kênh thông tin đa dạng, quận đã tiếp nhận được nhiều thông tin có giá trị.

Trên thực tế, không phải mọi công dân đều có thời gian, khả năng tới trực tiếp ban tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo.

Đối với vấn đề phản ánh khiếu nại, tố cáo nếu trường hợp đó có dấu hiệu khả nghi thì cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý và trả lời lại cho người dân. Trường hợp phản ánh không đúng thực tế, chính quyền cũng nên báo lại để người dân nắm.

Ông LÊ HUỲNH MINH TÚ, Phó Chủ tịch UBND quận 12, TP.HCM

Nếu tố cáo sai thì đã có luật xử lý

Việc tiếp nhận công dân tố cáo qua điện thoại, mạng xã hội… là rất cần thiết nhằm đa dạng hóa hình thức tố cáo để mỗi người được thực hiện quyền của mình. Bởi trên thực tế đâu phải người dân nào cũng có điều kiện làm đơn hoặc trực tiếp đến các cơ quan để khiếu nại, tố cáo.

Tôi xin đặt ngược lại vấn đề, thời gian gần đây các cơ quan chức năng cũng đã sử dụng thông tin tố cáo sai phạm từ những nguồn thông tin trên mạng xã hội và chủ yếu là Facebook.

Ví dụ như các clip của vụ nữ chánh văn phòng đảng ủy nói con người không quan trọng, vụ phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận bẻ nhành hoa anh đào hay vụ giám đốc công an tại Đà Nẵng có nhà trăm tỉ,… những thông tin ấy được phát hiện từ những người dùng Facebook. Khi các đoạn clip được lan truyền trên mạng thì cơ quan chức năng cũng dựa vào nguồn này để xử lý.

Chúng ta cần nắm rõ mục đích tố cáo là để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý những hành vi sai phạm để bảo đảm pháp luật được thực thi, giúp xã hội phát triển công bằng hơn. Từ mục đích trên, các cơ quan nhà nước đừng quá câu nệ hình thức mà hãy nghĩ đến hiệu quả của việc tố cáo.

Nếu thông tin tố cáo nhận được qua tin nhắn, điện thoại, Facebook, Zalo thì với công nghệ thông tin như hiện nay, việc xác định chủ thể tố cáo không khó.

Thông tin tố cáo bằng hình thức nào đi nữa mà ra kết quả đúng như người tố cáo cung cấp thì chúng ta vẫn phải xử lý và đáng hoan nghênh người tố cáo.

Nếu trong quá trình tiếp nhận tố cáo mà khi xác minh phát hiện chủ thể tố cáo sai sự thật, có tính chất bịa đặt, vu khống người khác thì các cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể xử lý người tố cáo về hành vi vu khống.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Muốn chống được tham nhũng thì cần có nhiều thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Một khi người dân định tố cáo một ai đó tất nhiên họ phải chuẩn bị bằng chứng, cái cản họ lại chỉ còn là tâm lý sợ bị trả thù và sự rườm rà trong thủ tục.

Chính vì vậy, để nhận được thông tin thì cánh cửa phải thông thoáng. Người quản lý phải đảm bảo cho người tố cáo sự an toàn và thuận tiện. Thời buổi này, việc tiếp nhận tin báo qua điện thoại, email là xu hướng tất yếu. Nếu luôn đòi giấy tờ thì lượng tin báo chắc chắn sẽ ngày càng ít. Đây chỉ là thông tin ban đầu, việc xác minh đúng-sai là của người có trách nhiệm và luôn có sai số, cái đó phải chấp nhận. NGUYỄN BẢO QUÂN (TP.HCM)

Việc sàng lọc tin báo tố cáo thì báo bằng đơn hay bằng điện thoại cũng phải làm qua các bước. Người tố cáo biết là phải cung cấp thông tin cá nhân thì tin báo mới được tiếp nhận, xử lý mà.

Rất nhiều vụ việc tiêu cực được phát hiện chỉ thông qua một clip tình cờ quay được như vụ CSGT ở sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiều trường hợp người dân bắt gặp được vụ việc gì đó thì sẽ nhấc máy gọi cho nhanh chứ ai mà làm đơn? Quần chúng là tai mắt của nhà quản lý, góp phần giám sát xã hội rất hiệu quả. Do đó, về lý thì quần chúng cần phương tiện gì, cách thức gì nhà quản lý nên theo. VÕ THANH THẮNG (Bến Tre)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm